Chúng ta đều biết bài ca dao, "Hôm qua tát nước đầu đình" là một sáng tác dân gian nổi tiếng trong cả nước. Bài ca dao này được Vũ Ngọc Phan sưu tầm và giới thiệu từ rất lâu. Nó nổi tiếng bởi tài dựng chuyện, dẫn chuyện của tác giả dân gian miêu tả việc chàng trai tán tỉnh và hỏi cưới cô gái một cách có duyên, khéo léo. Đó còn là một bài ca dao thể hiện niềm tin vào cuộc sống của người lao động, …
Vì bài ca dao này quá hay bởi cái duyên ấy nên khi lưu truyền, đã xuất hiện nhiều dị bản khác nhau. Mới đây, khi đi điền dã tại huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, TS. Lê Nhật Kí, giảng viên trường Đại học Quy Nhơn, đã sưu tầm thêm một dị bản nữa của bài ca dao này (Công bố trên Kiến Thức Ngày Nay số 146 năm 1994). Tuy nhiên, bài ca dao "Hôm qua tát nước đầu đình" được sưu tầm tại Đồng Xuân về hình thức cũng có 16 câu như bài ca dao đã được sưu tầm trước đó tại vùng đồng bằng Bắc bộ, nhưng nội dung có nhiều điểm khác nhau. Điểm khác đó cũng bởi quá trình lưu truyền, nhưng cơ bản là sự sáng tạo của tác giả dân gian phù hợp với tâm lý và hoàn cảnh của người dân địa phương. Đó cũng là nét đẹp của bài ca dao này.
Áo anh rách lỗ bàn sàng
Cậy nàng mua vải vá quàng cho anh
Vá rồi anh trả tiền công
Đến lúc lấy chồng anh giúp của cho:
Giúp cho một quả xôi vò,
Một con heo béo, một vò rượu tǎm.
Giúp cho chiếc chiếu nàng nằm,
Đôi áo nàng bận đôi vòng nàng đeo.
Giúp cho quan mốt tiền cheo,
Quan nǎm tiền cưới, lại đèo bông tai
Giúp cho một rổ lá gai
Một cân nghệ bột với hai tô mè
Giúp cho năm bảy lạng chè
Cái ấm sắc thuốc cái bồ đựng than
Giúp cho đứa nữa nuôi nàng
Mai ngày trọn tháng cho chàng tới lui…
Gọi là bài ca dao "Hôm qua tát nước đầu đình" đối với bản ở Đồng Xuân e rằng chưa thật chính xác. Bởi cả bài ca dao này không hề nói gì đến việc tát nước ở đầu đình, chàng trai để quên áo để chàng trai có dịp tán tỉnh cô gái. Bài ca dao này so với bài ca dao do Vũ Ngọc Phan sưu tầm thì thiếu 6 câu đầu, vì "người dân miền Trung vốn “ăn ngay nói thẳng”, không thích loanh quanh, vòng vèo" (Lê Nhật Kí). Chàng trai trong bài ca dao đã đi thẳng vào vấn đề nhờ vá áo. Chàng đã "cậy" nàng mua vải để vá "lỗ bàn sàng".
Tất nhiên, đó chỉ là cái cớ để chàng trai có dịp trả công. Nhưng không phải dịp nào khác mà là "đến lúc lấy chồng". Cũng giống như bài ca dao mà Vũ Ngọc Phan sưu tầm, ở bài ca dao này, chàng trai cũng trả công bằng các "sính lễ" trong ngày cưới cho nàng. Đó là "một quả xôi vò, một con heo béo, một vò rượu tǎm, chiếc chiếu, đôi áo, đôi vòng". Những sính lễ ấy quả là đầy đủ. Chàng trai cũng không quên chuẩn bị "tiền cheo, tiền cưới" và cả "bông tai" - trang sức không thể thiếu cho các cô dâu trong ngày cưới. Ở đây, cứ ngỡ rằng anh đã tự đẩy mình thành người thứ ba, đứng ngoài tiệc cưới của cô gái để lo lắng mọi sính lễ. Nhưng thông thường, chàng trai phải là người chuẩn bị sính lễ để hỏi cưới cô gái. Vậy là chàng âm thầm chuẩn bị sính lễ ấy cho một chàng trai nào đó mà chàng không quen biết để hỏi cưới nàng hay sao? Chỉ có vá áo thôi mà sao sự trả công hậu hĩnh đến vậy? Không, chàng đang tự chuẩn bị sính lễ cho mình để hỏi cưới cô gái vá áo ấy. Hẳn cô gái phải hiểu rằng chàng trai đang tỏ tình và hỏi cưới mình. Ca dao thường được tác giả dân gian sáng tác trong những lúc hát đối đáp, mang tính chất diễn xướng, tỏ tình, hỏi cưới và cũng có thách cưới. Chàng trai ấy đã hỏi cưới nàng một cách khéo léo mà không chờ nàng thách cưới. Và có lẽ cô gái ấy cũng vui lòng khi những sính lễ ấy đã quá đầy đủ.
Khác với những sính lễ mà chàng trai trong bài ca dao do Vũ Ngọc Phan sưu tầm. Chàng trai trong bài ca dao này không dừng lại ở việc chuẩn bị các sính lễ để hỏi cưới cô gái vá áo, mà trả công cho cô gái thêm nhiều vật phẩm khác nữa. Đó là "một rổ lá gai, một cân nghệ bột với hai tô mè, năm bảy lạng chè, cái ấm sắc thuốc cái bồ đựng than, đứa nữa nuôi nàng". Chàng trai trong bài ca dao này quả là kĩ càng, chu đáo. Hình ảnh " một rổ lá gai" đã nói được nét chân chất, mộc mạc nhưng cũng đậm chất địa phương. Bởi lá gai đối với người lao động vùng Bình Định-Phú Yên không có gì xa lạ. Trong ca dao Bình Định chẳng phải đã nhắc đến "Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi" đó sao. Vả lại vùng đất Bình Định và Phú Yên có nhiều nét văn hóa tương đồng. Nơi đây cũng đã lưu truyền câu ca dao "Ai về Bình Định thăm cha/ Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm anh". Bánh ít lá gai cũng có thể là vật phẩm quen thuộc trong ngày cưới ở vùng đất này. Chàng trai trong bài ca dao này không dừng lại ở đó. Chàng bạo dạn mang đến cả "một cân nghệ bột, hai tô mè, năm bảy lạng chè, cái ấm sắc thuốc, cái bồ đựng than, đứa nữa nuôi nàng". Đây toàn là những thứ cần thiết cho người phụ nữ lúc sinh nở. Rõ ràng, ở đây, chàng trai không chỉ tán tỉnh, hỏi cưới mà còn mơ ước một cuộc sống vợ chồng. Nói ra điều này có vẻ chàng trai quá tủn mủn, nhưng đó là cả tấm chân tình của chàng đối với cô gái. Đến cuối bài ca dao, chúng ta mới thấy rõ ý đồ của chàng trai khi chuẩn bị những vật phẩm ấy kèm theo một cái cớ rất có duyên "Giúp cho đứa nữa nuôi nàng/ Mai ngày trọn tháng cho chàng tới lui…". Hẳn cô gái sẽ thấu hiểu tình cảm chân thành của chàng trai, càng không thể không nhận lời hỏi cưới của chàng.
TS. Lê Nhật Kí nhận định: "Ở đây việc mở rộng kết cấu có tác dụng nâng giá trị bài ca lên một bước mới, giúp người đọc có một sự nhìn nhận đầy đủ về tính cách chủ thể trữ tình: thẳng thắn và chu đáo". Ông cũng cho rằng: "bản Đồng Xuân không nói “lợn” mà nói “heo” không nói “khâu” mà nói vá, không nói “giúp đôi chăn” mà nói “giúp đôi áo” … Điều này do sự quy định của phương ngữ và điều kiện tự nhiên, sinh hoạt của mỗi vùng đất. Những khác biệt nói trên giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường màu sắc địa phương cho bài ca. Ở đây có thể nói, quá trình hình thành dị bản Tát nước đầu đình diễn ra theo con đường địa phương. Nhờ vậy, trên nền cảm hứng chung, những dị bản phản ảnh được nếp cảm, nếp nghĩ của con người từng vùng đất khác nhau". Và như thế, bài ca dao này đã mang một màu sắc riêng rất độc đáo của người dân Đồng Xuân.
Trong ca dao tình yêu, nhất là ca dao tỏ tình, cái áo là một phương tiện nghệ thuật quan trọng đã nhiều lần được nói đến: "Chàng về để áo lại đây/ Để đêm em đắp, để ngày em trông", "Áo xông hương của chàng vắt mắc/ Đêm em nằm em đắp lấy hơi", "Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay"…Nhưng không ở đâu, cái áo được khai thác và sử dụng tích cực như trong bài ca dao này. Từ đầu đến cuối, bài ca dao vẫn xoay quanh câu chuyện chiếc áo: nhờ khâu áo, trả công và giúp đỡ cho người vá áo. "Có thể nói, cái áo đã đắp kín cả mối tình của đôi bạn trẻ" (Hoàng Tiến Tựu, Bình giảng ca dao, Nxb GD, 1998).
Về bài ca dao này, hiện có rất nhiều dị bản khác nhau. Bản sưu tầm ở Lâm Đồng ( Theo Nguyễn Thị Thiên Thu, Vài nhận xét về văn học dân gian ở ấp Hà Đông, Đà Lạt, Văn nghệ Lâm Đồng, số 4, 1985) có lẽ ra đời sau bài ở Đồng Xuân, bởi đã xuất hiện nhiều vật phẩm trả công của chàng trai cho cô gái vá áo đã rất hiện đại. Đó là "Tấm khăn san, áo mùi, đồ hàng Bom Bay, quần trắng nhiễu Tây, đôi giày gót kiêu, gói đăng ten, ô tô". Nhưng bài ca dao ở Lâm Đồng cũng không hề nói đến những vật phẩm "sau hôn nhân" như bài ca dao ở Đồng Xuân. Vì thế, có thể nói rằng, bài ca dao ở Đồng Xuân không chỉ có tiếp nhận bài ca dao "Hôm qua tát nước đầu đình" của vùng Bắc bộ trên tinh thần địa phương hóa, mà quan trọng hơn, nó đã thể hiện được tâm tình, phẩm chất đáng quý của người lao động nơi đây.
Lê Kim Tám
Lớp Cao học Văn 17
Bài đã đăng trên
Tạp chí Văn nghệ Phú Yên số tháng 8/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét