Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Nghiên cứu : CÁC KIỂU NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGÔ PHAN LƯU (Nguyễn Thị Trúc Ly)

Nhà văn Ngô Phan Lưu



“Nhà văn nông dân” đất Phú Yên Ngô Phan Lưu được mọi người biết đến rộng rãi sau khi trở thành “trạng nguyên” cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2006 – 2007. Tính đến nay gia tài của ông bao gồm một tập thơ Bếp lửa chiều đông và các tập truyện ngắn – tản văn: Người không giăng câu Kiều, Cơm chiều, Xoa tay và cười, Con lươn chép miệng, Tờ lịch gỡ mỗi ngày. Còn tác phẩm in chung và đăng báo thì “không thể nào nhớ nổi”.

Những truyện ngắn của Ngô Phan Lưu hơn một lần làm rung động trái tim độc giả Việt Nam. Mỗi hình tượng nhân vật của ông như có ma lực đã lôi cuốn chúng ta với một sức mạnh không thể nào cưỡng nổi vào cuộc đời đầy bão tố của họ, buộc ta phải nghĩ suy, giật mình ngẫm lại về nhân tính, mối quan hệ giữa người với người trước hiện tại và tương lai. Từ đó biết cách ứng nhân xử thế, sống đẹp hơn, có thêm niềm tin và tình yêu đối với cuộc sống. Khảo sát các tác phẩm truyện ngắn của Ngô Phan Lưu, chúng tôi nhận thấy có 4 kiểu nhân vật điển hình sau:

1. Nhân vật cô đơn

Ngô Phan Lưu trình bày một đời sống ngổn ngang, bất trắc, nơi lý tưởng và các giá trị truyền thống bị đổ vỡ, nơi con người chỉ là những mảnh số phận, những cá thể, không nhân danh, không đại diện cho bất kì ai. Cùng tư tưởng với các nhà triết học Hiện sinh chủ nghĩa, Ngô Phan Lưu đã nhìn con người như những số kiếp vật vờ, thân phận nhỏ nhoi, mỏng manh và mang trong mình một nỗi cô đơn bản thể. Trạng thái cô đơn là trạng thái thích hợp nhất để con người ngắm nhìn, chiêm nghiệm lại cuộc sống của chính mình. Có những phút giây bừng tỉnh, có những khoảnh khắc lóe sáng trong tâm thức. Nhiều khi con người chịu cô đơn để bảo toàn niềm tin khát vọng của mình.

Học viên
Nguyễn Thị Trúc Ly
Trong Buổi sáng biến mất, chú Khiêu là kẻ cô đơn, là trái banh trong chân đội banh ung thư gan, xẹp hơi, đang chờ cho lọt vào “gôn” Tử Thần. Các thành viên trong nhà họ coi chú là gánh nặng, vật phế thải chướng tai gai mắt. Chú Khiêu đang phải âm thầm chịu đựng nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần, chú thấm thía nỗi cô đơn lạnh lẽo tột cùng. Đó là Lão Tư Cua (Người không giăng câu Kiều) cô đơn không chỉ vì sống một mình mà “là người khang khác với mọi người trong xóm” Trạch Thắng, bởi lẽ lão dám bắt Cua Đinh bằng tay và “dám to tiếng với cụ Phiệt, người được kính sợ lâu nay”. Đó là Bẫm Xình Tơn nát rượu bị biển người mênh mông cự tuyệt, nhìn với nhiều ánh mắt khinh bỉ. Khoảnh khắc lương thiện đích thực lại là khoảnh khắc Bẫm ôm nỗi đau người thừa vào lòng.

Khi đặt nhân vật trong mối quan hệ với đồng loại, với thế giới bên ngoài, Ngô Phan Lưu đã cho ta thấy sự cô đơn của con người thể hiện ngay trong các quan hệ xã hội, sự rạn vỡ trong mối liên kết, trong niềm tin giữa con người với con người và giữa con người với thế giới. Sự lỏng lẻo trong mối quan hệ gia đình và xã hội (Bộ răng của ông Răng). Đó là lời cảnh tỉnh cho sự sa đọa, xuống cấp về đạo đức, giá trị con người, sự thui chột về tình người đã đến mức báo động.

Trong một số tác phẩm, nhân vật không có thời gian quá khứ càng không có thời gian cho tương lai, chỉ có thời gian hiện tại, lúc nhân vật xuất hiện, song đó là thời gian đằng đẵng một khối cô đơn khổng lồ. Cô đơn như một hình phạt, cô đơn như một tiền định: Cụ Ông – bố của Lân (Cơm chiều).

Ở một khía cạnh khác, con người trong thế giới của Ngô Phan Lưu càng bị nhấn chìm sâu hơn vào nỗi cô đơn khi chỉ có một mình anh ta đương đầu với những biến cố trong cuộc đời, chỉ có anh là nhân chứng cho chính anh trước sự phi lý trút xuống thân phận. Anh Quyết (cùng gia đình) trong Bầy người bé nhỏ – nỗi ám ảnh kinh hoàng sợ hãi về kiếp người trước thiên nhiên.

Con người cứ thế bơ vơ, cứ thế lạc lõng vô định không hiểu được mình đang làm gì (Bà thánh của hai người, Làng quê thì mênh mông). Đó cũng là một sự kiện tinh thần của không ít người hiện đại ngày nay “thấy mình lọt tõm vào một vùng cô đơn hun hút…” (Trắng đêm để gặp nỗi buồn), cô đơn cùng cực. Họ ý thức được sự nhàm chán triền miên trong cuộc sống của mình (Mù sương đầu ngõ). Nếu không có cái nhìn tinh nhạy, thấu suốt tâm can con người, Ngô Phan Lưu đã không thể nắm bắt được những khoảnh khắc bơ vơ, bất định như vậy.

2. Nhân vật mang tư chất nghệ sĩ

Đọc truyện ngắn của Ngô Phan Lưu ta bắt gặp một loạt các nhân vật mà chất “nghệ sĩ” của họ không tuân thủ một quy luật, không theo một trường phái nào, nó tồn tại bản năng và phát triển tự nhiên như cuộc sống hàng ngày của họ. Họ là những con người “đặc biệt” và gặp nhau cũng trong những hoàn cảnh thật đặc biệt.

Lão nông Lạng xóm Đìa sóm sém bảy mươi mang trong mình niềm đam mê văn chương. Lão thường cho ra lò những vần thơ “đầu Ngô mình Sở”, kiểu thơ “Liên Hợp Quốc” chắp vá. Thế mà, loại thơ cắt ghép kì quặc đó cũng có “tín đồ”, mà còn là tín đồ một mực trung thành – chú Dành, chàng trai hai mươi hai tuổi, cùng xóm. Họ trở thành bạn tâm giao hằng ngày Đối ẩm trong sương. Ngô Phan Lưu đã mang đến cho người đọc cách nhìn mới: Không có chân lý sáng tạo nghệ thuật bất biến. Người nghệ sĩ sáng tạo theo sự thôi thúc của nội tâm, nên những phút thăng hoa của cảm xúc, của nội tâm đã tạo nên những cái bất ngờ trong sáng tạo. Cái bất ngờ làm nên cái đẹp và kì diệu của nghệ thuật.

Nghệ thuật không dành riêng ai, nó dành cho tất cả mọi người, những ai mang trong mình tư chất của người nghệ sĩ và niềm đam mê nghệ thuật: Thắng, Thùy (Con sóng tung hoa), anh bạn của “tôi” (Sóng bạc đầu), anh thợ hớt tóc (Chú thợ hớt đường Bà Triệu), họ cũng là “nhà thơ”, những người yêu nghệ thuật.

Trong truyện ngắn của mình, Ngô Phan Lưu cũng đã xây dựng thành công hệ thống nhân vật chủ yếu được trời phú cho giọng hát hay, lay động lòng người. Giọng hát khàn khàn tuyệt vời của cô chủ Nhạc Trầm My quán. Chất giọng đau đớn, uất nghẹn của chú Bảy hòa nhịp cùng âm thanh ma quỷ của “nhạc cụ” Xâu chìa khóa, chảy cuồn cuộn theo một làn điệu bài chòi đặc sản địa phương khiến người ta lặng đi, nổi da gà. Chú tuy là “Một người nông dân rặt từ khuôn mặt đến quần áo, vậy mà nghệ sĩ hết cỡ ấn tượng”.

Khảo sát tác phẩm của Ngô Phan Lưu ta còn bắt gặp thêm những mảnh đời bất hạnh trót mang duyên kiếp cầm ca làm nghiệp mưu sinh. Trong tiếng nhạc thô mộc trầm buồn, như cung tơ vang vọng đến nao lòng của chiếc đàn cò. Giọng hát chân phương, chưa từng qua trường lớp ngày ngày cất lên, lẫn lộn với ồn ào góc chợ nhưng lại có sức hấp dẫn rất riêng. Với bác Quyền (Ánh sáng cong), lão Mồn (Lên đường) Ngô Phan Lưu đã đề cập thật riết róng tới những mất mát, tổn thương mà người nông dân phải gánh chịu. Những mảnh đời bất hạnh trong những làng quê Việt hiện thời.

3. Nhân vật bị ám ảnh bởi thế giới giấc mơ

Trong truyện ngắn của Ngô Phan Lưu, tần suất xuất hiện kiểu nhân vật chìm đắm, ám ảnh bởi thế giới giấc mơ khá dày đặc (19/73 truyện, chiếm gần 26%). Xây dựng kiểu nhân vật này là một phương thức nghệ thuật hữu hiệu để mở rộng biên độ hiện thực được chiếm lĩnh trong văn học, đồng thời tạo nên sức hấp dẫn riêng của thế giới nghệ thuật trong tác phẩm, khiến nó không còn là sự mô phỏng, trùng khít với hiện thực ngoài đời. Thủ pháp ảo hóa hiện thực khiến cho cả nhân vật trong truyện và người đọc đều không có một ý niệm rõ rệt.

Trong các truyện Chiếc ngạnh cá, Con diều giấy, Nếu không nhìn ra cổng, Con sóng tung hoa, giấc mơ của Đại, Lãm, Hòa và Thùy đều xuất hiện những “vùng đất hứa” “vắng bóng con người”, chỉ có tiên và quỷ. Tất cả họ không một ai cảm thấy buồn mà thậm chí còn vui. Motif người gặp tiên, gặp quỷ được lặp lại. Đối diện với họ, con người không hề sợ hãi, ngược lại chính quỷ, tiên ghê sợ con người. Điều rùng rợn không nằm ở ma quỷ mà ở chính cái bản chất bất toàn ẩn tàng của con người. Con người không dễ gì chấp nhận sự thật ấy trong hiện thực. Con người kinh tởm con người, muốn thoát ra khỏi thân xác chính mình, tìm cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản. Nội dung biểu hiện của những giấc mơ được coi như sự thực hiện trá hình những ham muốn bị dồn nén trong hiện thực.

Một trạng thái khác là Nhập nhằng và hoảng loạn, Giải thoát,... thể hiện tinh thần bấn loạn của các nhân vật. Điển hình là ông Đô, vợ chồng lão Bốn Nham, anh Bách, nó tương ứng với một thế giới hiện thực tàn nhẫn trùng trùng điệp điệp cái ác được nhà văn biến ảo theo chính những giấc mơ. Trong thế giới ấy con người vừa hoang mang âu lo về cái vô thường, vừa bộc lộ một đời sống khác chân thực để họ soi lại bản chất của mình. Khi tiếp xúc với các tác phẩm của Ngô Phan Lưu, người đọc bao giờ cũng vấp phải những trở ngại bởi những hình tượng lấp lửng lưỡng phân, lấp lửng hai mặt. Ngô Phan Lưu đã mang đến cho người đọc một cách viết mới, đi trên con đường mỏng dính giữa ý “tại đường” mà tưởng như “hoang đường”, những niệm có và không. 

Truyện ngắn Ngô Phan Lưu còn có biết bao những tấu khúc biến ảo khác nhau về mộng. Giữa hiện thực non kém với một ước vọng cao xa, muốn nổi tiếng bằng những đứa con tinh thần như nhà văn Cảo (Quyển sách). Hoặc Chuyện bực mình là giấc mơ về “cái mâm cơm đơn sơ sâu đậm” cùng cuộc đấu “nhãn lực”, “óc lực” giữa “tôi” và Lan Man Đại Nhân. Độc giả còn được chứng kiến một cuộc trò chuyện đầy thú vị giữa ông Ất, Ngọc Hoàng và các nhân vật do ông Ất sáng tạo ra (Trò chuyện). Những giấc mơ trĩu nặng tâm trạng suy tư trăn trở, nỗi ám ảnh của người cầm bút khi xây dựng tác phẩm. Ở đây có sự phảng phất của hiện thực, nhuốm màu hiện thực.

Đặc biệt, ngay cả trong mơ Ngô Phan Lưu vẫn “cố gắng xây dựng cái thiện để làm đối trọng với cái ác”. Những giấc mơ “đẹp” xuất hiện trong các truyện Trắng đêm để gặp nỗi buồn, Vạt áo nàng tiên, Sương ngọt, Ảo giác... chính là những viên thuốc an thần giúp con người lấy lại thăng bằng trong đời sống, đồng thời ở một số truyện nó còn thể hiện chức năng báo mộng, nhắc nhở hiện thực với chủ nhân của mình.

Ngô Phan Lưu đã lựa chọn giấc mơ làm “con đường vương giả để đạt đến hiểu biết lòng người” (Freud). Qua lăng kính của giấc mơ, nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn hiện lên chân thực hơn, sống động hơn, và cũng ám ảnh hơn.

4. Hình tượng loài vật

Sáng tạo ra thế giới loài vật, Ngô Phan Lưu cho người đọc thấy được ở ông một cây bút tài năng về nhiều mặt. Đó là khả năng hóa thân vào sự sống của vật và đồng thời đưa lại cho thế giới loài vật sự sống của người. Được nhà văn “phù phép”, thế giới loài vật cũng đầy sự ray rứt ngổn ngang của những sinh linh tội nghiệp, chia ly, tan tác đau khổ, chết chóc như chính cuộc sống của con người.

Sự việc trong vài phút là câu chuyện kể về việc bò Bĩnh bị anh Phách đánh đập, phải cày vườn khi đất đang khô. Nhưng đau đớn hơn là bê con, nó xót xa khi thấy mẹ mình bị hành hạ. Hành động “chống đối” của con chó Ki lao vút đến cướp chiếc roi chạy biến ra ngõ, “ngăn cản” ý nghĩ đánh chồng của chị Viên và vui mừng “vẫy đuôi xoắn tít” khi thấy chị bẻ đi chiếc roi, thả xuống lòng mương cho “chúng trôi đi...”. Rõ ràng “đó là một con người hoàn chỉnh tên Ki” đầy căm phẫn cái ác. Trường hợp này, nhà văn không chấp nhận dùng cái ác hơn để chiến thắng cái ác, mà cái ác cần phải kết thúc.

Ở truyện Câu hỏi vô vọng, Lãm kể về cuộc đời mồ côi nuôi đàn em của con gà mái “hột dầu”, bề ngoài tưởng như chẳng có gì đáng nói nhưng đằng sau ấy là chất chứa bao tình trạng, tâm trạng của một kiếp người. Câu chuyện như lời cảnh tỉnh về thực trạng tha hóa “gà nhà bôi mặt đá nhau”, sự suy thoái giá trị nhân luân đạo nghĩa trong gia đình, xã hội.

Mỗi con vật trong truyện ngắn của Ngô Phan Lưu hiện lên thật sinh động với nhiều tính cách khác nhau. Đó là con mèo Mướp có tật xấu rình bắt gà con, ăn vụng. Là con voi già đứng đắn, lễ phép ở Thảo Cầm Viên. Một con dã nhân “dâm đãng”. Một tên cù lần làm biếng. Một con chó Vện “thừa trí khôn” mà cũng rất “ngốc”. Cả cái giống chim cuốc kỳ cục ghét cay ghét đắng tiếng còi…

Cũng trên trang văn, người đọc bắt gặp tâm trạng hoảng sợ tột cùng của những thế lực thù địch. Một chú thỏ con run cầm cập vì sắp trở thành bữa lót lòng của con trăn khổng lồ. “Những chú vịt con ngộ nghĩnh nấp trong bụi rào, đang run sợ, soi qua nhánh lá, nhìn anh…” – kẻ vừa cướp đi mạng sống đồng bọn của chúng, hay con chó Mực sợ hãi “vùng dậy, chạy rối loạn” để tránh con người sau khi bị “thiến văn minh, đạo đức”. Trong những thế lực thù địch đó khiến ta nhận ra sự độc ác đáng kinh tởm dù vô tình hay cố tình của con người. Và hơn một lần, các con vật trong truyện Ngô Phan Lưu đều biết “nói tiếng người”, biết chỉ trích, mắng nhiếc, oán giận “sự dã man của loài người”.

Sự xuất hiện hình tượng nhân vật loài vật trong tác phẩm của Ngô Phan Lưu có thể làm phát ngôn viên cho con người; có khi như một dụng ý nghệ thuật; khi góp phần miêu tả thế giới nội tâm của con người; khi làm người dẫn chuyện tài tình… tất cả góp phần làm phong phú thêm cho thế giới nhân vật truyện ngắn Ngô Phan Lưu. Ẩn chứa trong mỗi trang truyện về loài vật, tác giả muốn nói đến chuyện loài người, gợi lên ở người đọc sự liên tưởng về nhiều vấn đề, cách đối xử trong mối quan hệ giữa con người với con vật, vừa tố cáo sự hờ hững và vô tâm của “cái giống người khốn kiếp”. Đồng thời khơi dậy phẩm chất nhân hậu cao quý của con người.

Đúng như Tô Hoài nhận định: “Nhân vật là nơi tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy cho một sáng tác”. Trong mỗi tác phẩm, các nhà văn đều xây dựng một hệ thống nhân vật phù hợp với dụng ý nghệ thuật của mình. Truyện ngắn Ngô Phan Lưu mang đậm màu sắc, dấu ấn “nông dân”, được thể hiện rõ qua hệ thống nhân vật “vương mùi khói rạ” một cách độc đáo. Nhân vật được soi chiếu từ nhiều khía cạnh từ ngoại hình, hành động, ngôn ngữ cho đến chiều sâu đời sống tâm lý, tâm linh bên trong vì thế mà trở nên gần hơn, thật hơn với cuộc đời.


Phú Yên 7.2015
Nguyễn Thị Trúc Ly
Bài đã đăng trên
website Hội Nhà văn Tp.HCM



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét