Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Truyện : MẤT MÁT (Tác giả : Glynis Gertsch - Dịch giả : Trương Thị Mai Hương)


Học viên
Trương Thị Mai Hương
Glynis Gertsch sinh ra và lớn lên ở Johannesburg, Nam Phi. Từ năm 1981, cô sống ở Thụy Sĩ. Tác phẩm của cô đã được phổ biến trên kênh BBC. Cô thắng hai giải văn chương ở Thụy Sĩ, một giải Truyện ngắn mini Cadenza và xuất bản một cuốn sách ở Nam Phi.

                   ________________


Wayne nhìn ra ngoài khung cửa sổ có chấn song.


“Ông biết đấy, kể từ phiên xử tới giờ tôi chưa nói về chuyện đó lần nào nữa”.

Lưng cậu dựng thẳng đứng và bất động trên ghế nhưng bàn tay lại di chuyển trên đầu gối rồi ấn chặt vào trong túi gõ nhịp trên bàn.

“Ông làm ở tòa soạn à?”

Trước khi tôi kịp trả lời cậu lại nói, “Ông muốn nghe gì đây?”

“Bất cứ điều gì cậu muốn kể,” tôi đáp.

Cậu nhoài người về trước. Đôi mắt trẻ trung của cậu nhìn thẳng vào mắt tôi và khi cậu cất tiếng, lời lẽ tuôn ra từ một vết thương.

“Tôi tìm thấy nó trong một con hẻm. Nó nằm giữa đống hộp và đồ tạp nhạp. Và đối với tôi có vẻ như là thứ tôi có thể dùng để kiếm tiền vậy. Đứng yên và đưa hết đồ đây”.

“Cậu không nghĩ là thế có thể nguy hiểm à? Ý tôi là, tôi đoán là cậu chưa bao giờ cầm súng trước kia”.

“Không, tôi không cho là nguy hiểm đâu. Nhưng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ nó sẽ chấm dứt như thế hết… nó…”

Giọng cậu lưỡng lự và ngừng lại.

“Wayne, kể tôi nghe sống ngoài đường ra sao đi,” tôi nói.

“Cũng không tệ lắm,” cậu nói. “Có chỗ phát đồ ăn miễn phí và chỗ ngủ cho người vô gia cư. Nhưng tôi hầu như trốn biệt, tôi sợ họ sẽ tìm ra và bắt tôi về lại”.

Tôi hiểu ý cậu ấy nói tới Trại mồ côi Lincoln của bang, nơi cậu đã biến mất hồi đầu mùa thu.

“Cuộc sống ở đó ra sao?”

“Lúc đầu thấy là lạ. Nhưng rồi chỗ nào cũng đều xa lạ cả thôi bởi mẹ, Kenny và tôi, chúng tôi đã sống sáu hay bảy năm trong một căn hộ. Tôi không nhớ mình đã sống ở nơi nào khác nữa. Mẹ khá thích cái ổ đó. Hẳn đối với bà nó cũng đã trở thành nhà rồi”.

Trong ánh sáng từ ô cửa sổ nhỏ, tôi nhìn rõ khuôn mặt cậu. Cậu đã mở lòng như mở một cuốn sách ra và lúc ngắm cậu, kí ức về khả năng nhập vào những điều đang kể ra và thu hút người nghe của cậu trở lại trong tôi.

“Bà không phải là người giỏi đưa ra ý kiến – những người đàn ông mới là người đề xuất. Họ chuyển đến rồi chuyển đi. Phiếu ăn, bà ấy sẽ nói thế nếu Kenny và tôi cằn nhằn rằng chúng tôi không thích người này người nọ trong số họ”. 

Cậu phóng ánh nhìn về phía cửa sổ nhìn vào ánh sáng đằng sau tôi.

“Có một người cũng được”.

Có gì đó giống như một tiếng vọng mềm mại trong giọng nói của cậu.

“Ông ấy ở lâu hơn những người khác. Thậm chí ông ta còn cố kéo mẹ ra khỏi rượu chè. Ông ta luôn nói: ‘Mẹ cháu là một phụ nữ đẹp đấy’. Kenny và tôi lúc đó vẫn còn nhỏ. Tôi nhớ ông ta đã mua giày cho chúng tôi vào mùa đông năm đó. Cái năm Kenny bị bệnh. Ông ta dẫn thằng bé lên bệnh viện đa khoa Lester. Nhưng thuốc kinh khủng quá nên Kenny cứ nôn ra mãi. Ngay sau đó mẹ lại tiếp tục say xỉn nên tôi cố bắt Kenny uống nó, thằng bé ốm nhom và bệnh nặng lắm. Và rồi người đàn ông kia bỏ đi. Còn tôi, Kenny và mẹ tiếp tục ở lại trong cái ổ đó. Cho đến cái đêm cuối cùng đó của Kenny. Rồi tôi tới trại trẻ mồ côi và người ta cũng đem mẹ tôi đi đâu mất khi họ tìm thấy bà. Đúng rồi, mọi chuyện sẽ dễ chịu hơn nếu Kenny ở trong trại tế bần với tôi. Tôi đã quen sống với bé Kenny.” 

“Sống không có Kenny đối với cậu hẳn phải tồi tệ lắm. Cậu có nhớ được bất kì điều gì tốt đẹp về việc sống ở đó không?”

“Cũng được. Ý tôi là nó không phải nhà và có rất nhiều trẻ con ở đó nhưng hầu như chúng tôi đều cùng chung cảnh ngộ,” cậu đáp. “Ở đó có một người bảo vệ mà chúng tôi gọi là Leg – O. Ông ta thích đánh đập chúng tôi đến vãi cả cứt”.

Giọng Wayne nghe chậm rãi nhưng bàn tay cậu nảy bần bật dưới bàn.

“Hắn cũng là một kẻ biến thái nữa. Tôi bị một lần. Hắn làm thế trong tủ để thực phẩm. Hắn lấy tay bịt miệng tôi. Mà thật ra không cần phải làm vậy. Đau muốn chết nhưng dù sao tôi cũng không hét lên. Sau đó, tôi biết có mấy đứa trẻ khác cũng bị”.

“Thỉnh thoảng mẹ cậu có tới thăm không?”

Wayne lắc đầu.

“Bà có viết thư mấy lần. Nhưng tôi mới là người gửi hầu hết thư từ. Tôi nhớ bà ấy. Nhưng không, tôi chẳng bao giờ có lấy lần thăm viếng chết tiệt nào. Vì bà ấy ra ra vào vào trại cai nghiện quanh năm suốt tháng, cố đánh bại nó. Ông Ashon, người trông nom mái ấm nói ông ấy nghĩ bà ấy sẽ có cơ hội ghé qua thăm khi cuộc điều trị kết thúc. Nhưng bà ấy chả bao giờ làm được. Và rồi đã quá muộn. Bà ấy mất. Còn đối với tôi thì dường như chẳng còn nghĩa lí gì nữa hết. Chẳng còn lại gì. Không một ai từng biết tôi trước kia”.

Tôi muốn hiểu rõ hơn cậu bé từng là Wayne trước khi mọi chuyện xảy ra và gọi cho giáo viên dạy nghề mộc ở ngôi trường cậu đã học. Tôi đi lên tầng hai khi học sinh chen lấn nhau tụ tập dưới cầu thang. Bên trong phòng có một mùi âm ấm của vỏ bào trên sàn nhà và hàng dãy dụng cụ treo trên các bức tường. Jeffries, giáo viên phụ trách lớp, kéo một cái ghế đẩu từ dưới gầm bàn gia công ra, phủi bụi và ra hiệu cho tôi ngồi xuống.

“Về wayne thì… Chết tiệt, phải, tôi có đọc chuyện đó trên báo. Thấy ảnh cậu ta nữa”.

“Ông nhớ gì về cậu ấy?” tôi hỏi.

“Cậu ta thích gỗ, thích làm việc. Chúng tôi làm với nhau khá ăn ý. Nhưng cậu ta có những vấn đề mà lớp thợ mộc của tôi không giải quyết được”.

“Ý ông là sao?”

Jeffries đẩy qua đẩy lại một cái tua – vít trên bàn.

“Như thế đấy,” ông búng tay, “cậu ta mất đi sự hứng thú mà tôi đã làm việc vô cùng chăm chỉ để tạo nên. Tôi quyết định nói chuyện với cậu ta vì trong những năm cậu ta ở đây, chúng tôi đã nuôi dưỡng được sự tôn trọng dành cho nhau. Nhưng tôi không giúp cậu ta được”.

Chiếc tua – vít rớt xuống sàn. Jeffries chỉ đứng đó mà nhìn xuống với ngón tay lần trong bộ râu của mình.

“Tôi đoán là việc mất mẹ đến lần thứ hai quá sức chịu đựng đối với cậu ấy”.

Sau khi chào tạm biệt Jeffries, tôi đi qua Trại trẻ mồ côi Lincoln của bang. Đó là một tòa nhà rất lớn và vô cùng buồn tẻ có một hàng cây xiêu vẹo ôm lấy con đường dẫn lên cửa ra vào. Ông Ashton đã gần nghỉ hưu, gương mặt ông ấy nhăn nheo bên dưới hai hàng lông mày bạc rậm rạp. Ông đề nghị kể cho tôi nghe bất kì điều gì tôi muốn biết về những năm tháng Wayne ở đây.

“Wayne đã phản ứng như thế nào khi nghe tin về cái chết của mẹ mình?” tôi hỏi.

“Cậu ấy chỉ nói: ‘À thì, tôi hầu như không biết gì về bà ấy nữa’,” ông Ashton đáp. “Nhưng cậu ấy bị chấn động nhiều hơn cái cậu thể hiện ra ngoài. Anh biết đấy, bà ta chưa bao giờ đến thăm cậu ấy. Không một lần nào trong năm năm trước khi chết. Đáng ngạc nhiên là những bà mẹ nghiện rượu thường cố gắng hết sức để tới thăm mặc cho chuyện gì xảy ra. Chúng tôi trao đổi thư từ với bà ấy, đó là quy tắc mà. Bà ta biết cậu ấy sống như thế nào nhưng như thế không bao giờ giống với việc đến thăm”.

Giao thông tắc nghẽn cả trên cầu vượt và lẫn phía dưới, cái nóng trên vỉa hè bốc lên. Tôi leo cầu thang lên khu căn hộ nơi Wayne đã sống hồi nhỏ. Tôi tự hỏi vì sao mọi thứ đều trông như xưa mà cũng lại có gì đó đã khác đi. Bà del Pietro mở cửa nhà mình và mời tôi vào phòng bếp. Bà ấy nói chính là do đám cây cối. Những cái cây mà tôi nhớ mọc bên lối đi trước mặt tòa nhà đã bị chặt đi nhiều năm rồi.

“Phải rồi, phải rồi, Wayne, bé Kenny và người mẹ sống ở tầng trên. Cô ta có nhiều đàn ông lắm – bọn họ cứ tới rồi đi suốt. Ôi chao, lạy Đức Mẹ. Thỉnh thoảng Wayne tới chỗ tôi ăn khi chúng đói bụng còn bà mẹ thì vắng nhà”.

“Con của bà có chơi với Wayne và Kenny không?” tôi hỏi.

“Mấy thằng bé đó không hay đi chơi lắm. Wayne trông nom em mình. Cô ta thì ra ngoài uống rượu. Và khi chuyện đó xảy ra, cô ta còn đang uống rượu cả ngày lẫn đêm. Đó là lí do vì sao Wayne không đi học. Vậy nên viên thanh tra của nhà trường tới đây để tìm hiểu. Ông ta bị sốc khi hiểu ra chuyện về bé Kenny. Ông ta đưa Wayne xuống chỗ tôi. Nó đói cho nên đầu tiên tôi làm bữa sáng. Nó ăn mọi thứ. Nó kể tôi là Kenny bị ốm. Nó vẫn chưa biết chuyện vì nó để lại một mẩu bánh mì trên bàn. Nó nói là để dành cho Kenny nếu thằng bé không nôn ra”.

Tóc Wayne đã được cắt sau khi chúng tôi gặp nhau lần trước. Gương mặt cậu dường như nhỏ hơn, làn da căng lên ngang qua xương gò má. Tôi đã mang cho cậu vài điếu thuốc và ít kẹo, cậu cười với tôi, đôi mắt buồn rầu của cậu lóe sáng.

“Phải rồi, tôi sẽ kể cho ông về Kenny,” cậu nói. “Nó là em trai tôi và đáng lẽ ra tôi nên chăm sóc nó, và chết tiệt, đáng ra tôi nên làm nhiều điều hơn cho nó”.

“Nhưng cậu không thể ngăn được cái chết của nó Wayne à,” tôi nói. “Lạy Chúa, cậu mới có 8 tuổi thôi”.

“Phải, có lẽ vậy. Có lẽ dù sao thì thế cũng tốt hơn, vì tôi nghĩ về mình hiện tại và tôi nghĩ, này Kenny, em đã được giải thoát rồi”.

Tôi chẳng thể nói gì để lấy đi nỗi đau được cho nên tôi không nói gì hết. Cậu ấy cũng yên lặng một lúc lâu. Rồi cậu bắt đầu nói.

“Tối hôm đó Kenny nói nó lạnh. Buồn cười là dù vậy chạm vào người nó lại thấy nóng. Cho nên chúng tôi cứ mặc nguyên quần áo và tôi mang thêm cho nó đôi tất thứ hai này thứ bị gã nào đó bỏ lại để giữ ấm chân. Tôi không thấy lạnh, đó là vào đầu mùa hè tôi nhớ mà. Nó cứ run mãi nên tôi lấy tấm chăn ra khỏi giường mẹ luôn. Sau đó tôi nằm cạnh nó, vòng tay ôm lấy nó và cong chân lên. Cả đêm nó im lặng ngoại trừ hơi thở nặng nhọc. Tiếng gõ cửa đánh thức tôi dậy. Cái ông này, ông biết rồi đấy, viên thanh tra trường học hỏi han. Tôi nói mình không biết mẹ ở đâu còn em trai tôi đang ốm và suỵt, nó vẫn đang ngủ đấy. Viên thanh tra đi tới chỗ trường kỉ và đứng đó nhìn. Rồi ông ta đẩy mấy cái chăn ra và lay nhẹ Kenny. Ông ta đứng như vậy một lúc, chỉ nhìn thôi. Rồi ông ta đặt một bàn tay lên ngực Kenny. Trông ông ta buồn cười lắm khi chỉ đứng đó mà lắc đầu. Ông ta đến bên tôi và vòng tay qua vai tôi. Và tôi đi xuống chỗ bà del Pietro.”

Chiều hôm sau tôi đi bộ tới Đại lộ Phía Tây. Tôi muốn cố làm cho đầu óc mình sáng rõ. Hoàng hôn buông xuống và thứ tôi nhìn thấy ở nó là bầu trời treo lơ lửng, bẩn thỉu và mờ mịt. Hiệu thuốc bán vào đêm muộn đã đổi chủ kể từ sau vụ nổ súng. Dù thế tôi cũng vào nhìn quanh nhưng nó cũng chỉ như bất kì hiệu thuốc nào mở cửa muộn hết. Sau đó tôi đến thăm Wayne lần cuối. Ngày hôm sau tôi sẽ phải trở lại với công việc của mình ở một công ty bất động sản.

“Wayne, cậu có thể nói về chuyện nó xảy ra như thế nào không? Nếu không dễ nói thì thôi cũng được”.

Cậu ấy không chần chừ chút nào.

“Bà ấy là con dâu của ông già. Về sau ông ta có nói bà ấy là người con dâu tốt bụng nhất, vô hại nhất mà người ta có thể có được. Ông ta đã kinh doanh cửa hàng đó được 17 năm. Ông ta nói biết cách xử lí nạn trộm cướp. Nhưng chết tiệt, ông ta nói rằng không bao giờ nghĩ nó sẽ kết thúc như thế hết. Ông ta gọi tôi là một con quái vật và muốn biết vì sao”.

Trông Wayne nhợt nhạt nhưng đôi mắt cậu rực lửa.

“Ông… ông biết đấy, hỏi chuyện, làm cho mọi chuyện rõ ràng. Có lẽ ông có thể cho tôi biết vì sao”.

Tôi lắc đầu. Tôi không có câu trả lời nào cho cậu ấy hết. Tất cả những gì tôi biết đó là cho dù hồi đó vẫn còn nhỏ nhưng đã có một phẩm chất nào ở Wayne thu hút tôi. Nhưng với một người phụ nữ hấp dẫn như mẹ cậu, vấn đề nghiện rượu của cô ta và hai đứa trẻ không phải là ý niệm của tôi về tương lai. Tôi đã 25 tuổi và làm việc không ngừng nghỉ, sẵn sàng phiêu lưu và nắm giữ cuộc sống.

“Ông già đã cầm tiền trong tay. Tôi vươn người ra lấy nó và mắt tôi bắt gặp một chuyển động ở đằng sau. Tôi quay lại, và súng cướp cò”.

Đôi bàn tay cậu che lấy mặt.

“Cô ta xuống nhà ngay lập tức. Tôi còn nhớ mình đã nghĩ rất rõ ràng ngay chính khoảnh khắc đó – một người phụ nữ. Đang mang thai một đứa trẻ”.

Một lúc sau cậu nói tiếp, “tôi đã ở đây lâu rồi”.

Một viên giám ngục đến chỗ chấn song phòng thăm nom và gõ nhẹ.

“Hết giờ rồi Wayne”.

Wayne đứng dậy và đẩy ghế lại xuống dưới bàn. Cậu nhìn ra mảnh trời ngoài cửa sổ phía trên những bức tường gạch dày. Tôi im lặng. Nói gì cũng không được. Cậu ấy đi về phía cửa.

“Chờ đã Wayne,” tôi gọi. “Có lẽ cậu không nhận ra tôi nhưng cậu nhớ tôi”.

Tôi liều đoán thế thôi nhưng cậu cũng quay lại.

“Người đã mua giày và thuốc men,” tôi nói.

“Vậy sao?”

“Tôi nghĩ mẹ cậu trông rất ưa nhìn”.

“Đúng rồi. Marvin phải không? Tôi cảm thấy gì đó khi ông bước vào. Nhưng tôi nghĩ đó hẳn phải là những cơn loạn trí nhẹ do nhét mình ở đây trong nhiều tháng ròng”.

“Tôi sẽ sống ở Midwest trong ít nhất là cả trăm năm nữa,” tôi nói. “Tôi sẽ giữ liên lạc. Nếu cậu cũng làm vậy thì tôi sẽ mua cho cậu một đôi giày nữa khi cậu tới thăm tôi. Hay là sao cũng được”.

Đó là điều tốt nhất tôi có thể làm. Cậu ấy ngoảnh đầu quay đi. Và khi cậu quay lại nhìn tôi, cả hai chúng tôi đều khóc.

Trương Thị Mai Hương
Nguồn truyện : Eastoftheweb.com
Bài đã đăng trên



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét