Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Nghiên cứu : NGHĨA CỦA TỪ "BẺM" TRONG TIẾNG BÌNH ĐỊNH (ThS. Nguyễn Ngọc Oanh)

Tác giả
Nguyễn Ngọc Oanh


1.  Ngôn ngữ phát sinh, phát triển cùng với sự phát sinh, phát triển của xã hội. Đó cũng là lí do mà các từ địa phương được hình thành và mang đậm văn hoá đặc trưng của mỗi vùng đất. Những năm qua, việc nghiên cứu diện mạo và hoạt động hành chức của các phương ngữ tiếng Việt đã thu được nhiều kết quả. Nhờ vậy, chúng ta có thêm cơ sở cũng như kinh nghiệm thực tế để đi vào khám phá đời sống, phong tục tập quán, tâm hồn con người ở mỗi miền của đất nước.  

Về vấn đề từ địa phương, Hoàng Thị Châu cho rằng:  Phương ngữ là biến dạng của một ngôn ngữ được sử dụng với tư cách là phương tiện giao tiếp của những người gắn bó chặt chẽ với nhau trong một cộng đồng thống nhất về mặt lãnh thổ, về hoàn cảnh xã hội, về nghề nghiệp, còn gọi là tiếng địa phương [2]. Còn Nguyễn Thiện Giáp khẳng định: Từ địa phương là từ được dùng hạn chế ở một hoặc một vài địa phương. Nói chung từ địa phương là bộ phận từ vựng của ngôn ngữ nói hằng ngày của bộ phận nào đó của dân tộc […] [4]

Trong đời sống có những cách nói mang đậm dấu ấn tiếng địa phương. Từ bẻm trong tiếng Bình Định là một minh chứng. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi đi sâu tìm hiểu và đưa ra một số cách hiểu nghĩa của từ bẻm trong tiếng Bình Định.

2.  Trong từ điển, bẻm thường đi kèm với bẻm mép được giải thích với nghĩa là nói nhiều, khéo nói (hàm ý chê) [5]. Ở Phú Yên, từ bẻm với vai trò là một danh từ đi kèm với từ loại thể “cái” dùng để chỉ bộ phận sinh dục của phụ nữ: cái bẻm.

Tuy nhiên ở Bình Định, ít được dừng ở hai nghĩa trên mà bẻm được dùng với nhiều nét nghĩa khác, rất đa dạng và độc đáo. Những câu nói cửa miệng quen thuộc của người dân Bình Định thường dùng từ bẻm như khi thể hiện thái độ từ chối, không cho, không có hoặc khi chỉ thái độ háu, thèm (ăn, uống), muốn sở hữu điều gì đó của người khác mà khó thành hiện thực: “Đừng có mà bẻm nhé, nẫu không chịu đâu!”.

Với từ bẻm, người ở địa phương khác chắc chắn khó lĩnh hội khi nghe từ này trong giao tiếp. Giải thích được từ bẻm cũng khá phức tạp. Nghĩa của nó không đơn giản nằm ở nghĩa con chữ mà tùy thuộc vào từng ngữ cảnh, bẻm sẽ mang những sắc thái nghĩa khác nhau.

2.1. Cách nói của người dân Bình Định khi chờ mong, hi vọng một điều gì đấy. Nghĩa này được người Bình Định dùng trong từ bẻm ăn. Ngày xưa, trẻ con hay ngóng mẹ đi chợ về. Bởi trong giỏ của mẹ, ngoài những thứ thiết yếu của buổi chợ phiên như: cá, mắm, rau lại thường có kèm một vài thứ quà vặt như: cốm, kẹo ú, bánh quy... Khi mẹ về đến ngõ, lũ trẻ con ùa ra mừng rỡ “Mẹ về, mẹ về!”. Chúng vui vì không phải gặp lại mẹ sau một buổi mà mừng vì bẻm trong giỏ có quà.

Bẻm ở đây là thèm, mong chờ, hy vọng có quà (chứ chưa chắc là có). Khi chạy đến lục lạo trong giỏ, lúc này mẹ chưng hửng một câu “Không có gì đâu, đừng có bẻm”. Vậy là lũ trẻ hụt hẫng, nũng nịu trách!

Những buổi trưa hè, khi nghe tiếng reng reng của người bán cà rem, một đứa trẻ mua được cây kem đứng mút, ba bốn đứa không tiền đứng nhìn thèm thuồng: “Cho tao cắn một miếng hôm sau tao cho cắn lại.”. Nó dứt khoát “Không cho đâu, đừng có bẻm!”.

2.2. Ham muốn chức quyền, danh vọng cũng có thể dùng từ bẻm. Nhiều sếp muốn cấp dưới tuân thủ mình, đứng về phe mình thường hứa hẹn cân nhắc cho chức vị này chức vị nọ. Những người cấp dưới nghe những lời ngon ngọt thường mát ruột, hy vọng một ngày nào đó mình sẽ được lên chức. Sự ngóng đợi hão huyền đó cũng là một kiểu bẻm.

Hoặc nhiều vị ít tài năng nhưng cũng mơ mình có ngày “sống lâu lên lão làng”, hóng cái ghế trưởng phòng hay một chức vị cao hơn. Để đạt được điều này, có người không từ bỏ thủ đoạn nào, kể cả nịnh nọt, lo lót. Thái độ đó gọi là bẻm chức, bẻm quyền.

2.3. Trước kia, gái đẹp con nhà giàu được cho là cành vàng lá ngọc, nhiều trai làng muốn lọt vào mắt xanh cô gái thường bày ra nhiều trò để tán tỉnh. Biết được, cha mẹ thường nhắc nhở con: “Nẫu con nhà giàu, mày nghèo đừng có bẻm” hoặc “Mày bẻm cái gia tài của nẫu phải không?”. Ngược lại, những cô gái chạy theo vẻ hào nhoáng bên ngoài của những chàng trai cũng vậy: “Mày tưởng nó giàu mày bẻm phải không?”.

Bẻm ở đây được dùng với nghĩa là ham giàu, hóng hớt mong được hưởng thụ cái giàu, của cải của người khác. Một số cô gái bây giờ cũng chạy theo đại gia bẻm được hưởng sự giàu sang.

2.4. Nghĩa hay nhất của từ bẻm bẻm gái. Chẳng hạn từ bẻm gái được sử dụng trong trường hợp: Một người con trai dán mắt vào cô nàng mặc áo đỏ đầy sức gợi cảm, liền bị bạn bè quở “Nhìn cái mặt mày bẻm gái quá”. Trường hợp này xuất hiện rất nhiều trong các quán nhậu, hay quán cà phê. Trước những cô gái tiếp thị, tiếp viên xinh đẹp, ăn mặc khiêu gợi, lượn lờ làm các chàng lấm lét nhìn, các ánh mắt bị các cô gái hút hồn, nhìn như bị thôi miên, khuôn mặt đờ đẫn... Trạng thái đó được diễn tả là bẻm gái.

Bẻm gái không vồ vập như bẻm quà trong giỏ mẹ, không xin xỏ như bẻm cà rem. Bẻm gái thanh tao hơn, tế nhị hơn ở bên ngoài nhưng ở bên trong cũng rạo rực, dữ dội không kém bẻm quà, bẻm cà rem. Nó mang nét nghĩa trong sáng, rất con người và tạo ra vẻ đẹp nhân văn.

3.  Nhiều trường hợp dùng từ bẻm nhưng nhìn chung là bẻm được dùng với nghĩa hóng đợi một điều gì đó mà không thuộc về mình, tưởng là của mình, trong từ toàn dân, ở một số trường hợp có thể thay từ tưởng bở, tẽn tò (từ này đơn nghĩa, ít biểu cảm hơn).

Như vậy, từ bẻm, trong các trường hợp trên, thường dùng ở dạng khẩu ngữ địa phương tạo ra nhiều nghĩa biểu cảm rất độc đáo, đặc sắc của xứ “nẫu”. Ở Bình Định vẫn dùng bẻm với vai trò là cái bẻm nhưng chỉ dùng chỉ bộ phận sinh dục em bé gái (ít dùng).

Tôi đã gặp một sự nhầm lẫn thú vị trên facebook cách đây không lâu. Một lần nhìn thấy nét mặt anh Việt Quốc trong ảnh đăng trên facebook cười rất lém, tưng hức… tôi bình luận (comment): “Nhìn mặt anh bẻm quá!”. Một người bạn anh ở Hà Nội đọc được rất khó chịu gọi điện vào nói với anh: sao lại để bạn bè nói mặt ảnh bẻm. Anh Quốc giật mình vội xoá bình luận và cười: “Họ không hiểu từ bẻm của mình mà nghĩ ở nghĩa cái bẻm như kiểu dùng ở Phú Yên”. Vì nhiều người bạn không hiểu mà cũng khó giải thích được từ bẻm nên anh gỡ bình luận nhưng anh cũng tiếc. Khuôn mặt đó, nét mặt đó trong bức ảnh chỉ có thể dùng từ bẻm mới diễn tả hết nghĩa.

4.  Trong sự phát triển của từ vựng, từ địa phương đóng một vai trò quan trọng làm phong phú thêm cho vốn từ của dân tộc. Độc đáo của từ địa phương là thường phản ánh những đặc trưng văn hóa của mỗi vùng miền.

Từ bẻm khi được người dân Bình Định sử dụng, bản thân nó cũng được dùng với nhiều nghĩa khác nhau mang đậm dấu ấn cuộc sống, tâm hồn con người đất võ trời văn. Tìm hiểu nghĩa của từ bẻm, chúng tôi cũng mong muốn góp thêm một cách hiểu, cách cảm về một từ ngữ được sử dụng khá phổ biến trong đời sống hằng ngày của người dân nơi đây. Từ đó, muốn lưu giữ và phát huy vốn ngôn ngữ rất riêng, đặc sắc của người dân xứ “nẫu” để nó trường tồn cùng sự trường tồn của các di sản văn hóa dân tộc.

Tài liệu tham khảo
1.  Đỗ Hữu Châu (2000), Tìm hiểu văn hóa qua ngôn ngữ, tạp chí Ngôn ngữ số 10.
2.  Hoàng Thi Châu (1987), Tiếng Việt trên các miền đất nước, NXB KHXH, HN.
3.  Hoàng Thị Châu (2004), Phương ngữ học tiếng Việt, NXB ĐHQG, HN.
4.  Nguyễn Thiện Giáp (1985), Từ vựng học tiếng Việt, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
5. Viện ngôn ngữ học (2006), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng & TT từ điển học.

Nguyễn Ngọc Oanh
Cao học Ngôn ngữ K16
Bài đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Định



1 nhận xét:

  1. v nếu một người nào đó cứ gọi mình với cái tên là bẻm này thì có thể hiểu nó có j ạ

    Trả lờiXóa