Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

LOẠI HÌNH VĂN HỌC TRUNG ĐẠI


1. Các khái niệm cơ bản
1.1. Loại hình

Mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội đều tồn tại trong kiểu loại, chủng loại của nó. Có chăng những sự vật hiện tượng mới, cá biệt không tồn tại trong loại nào thì bản thân nó lại được xếp vào một loại mới để phân biệt với các loại khác. Mỗi chủng loại có những đặc trưng, những quy luật tồn tại nhất định. Loại lớn bao gồm trong nó hệ thống loại hình nhỏ hơn; đến lượt mình, các loại hình nhỏ lại bao gồm trong nó các cá thể cụ thể nhỏ hơn. Theo cuốn Từ điển tiếng Việt: “Loại hình là tập hợp sự vật, hiện tượng cùng có chung đặc điểm nào đó”.

1.2. Văn học là một loại hình nghệ thuật

Theo cuốn Từ điển thuật ngữ văn học, văn học là “loại hình nghệ thuật ngôn từ… nó có những đặc trưng độc đáo của bộ môn nghệ thuật thể hiện ở đối tượng nhận thức, ở nội dung và phương thức biểu đạt hình tượng, ở chất liệu sáng tạo của nó”. Như vậy, văn học cũng là một loại hình, nằm trong một loại hình lớn hơn là loại hình nghệ thuật. Loại hình nghệ thuật là “những hình thức tồn tại ổn định của nghệ thuật như hình họa, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, văn học, sân khấu, xiếc, nhiếp ảnh, điện ảnh…”

Với tư cách là một loại hình, loại hình văn học lại chứa đựng trong nó những loại hình nhỏ hơn là loại hình văn học dân gian, loại hình văn học trung đại, loại hình văn học hiện đại. Ngoài những đặc điểm chung của loại hình lớn là văn học, các loại hình văn học nhỏ hơn lại có những đặc trưng riêng của chính nó. Văn học trung đại với tư cách là một loại hình văn học thì nó cũng không thể nằm ngoài quy luật đó.

2. Văn học trung đại như một loại hình

2.1. Cơ sở lịch sử xã hội

Văn học trung đại Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX tồn tại và phát triển trong khôn khổ xã hội và lễ giáo phong kiến, nó trãi qua các giai đọa phát triển với những biến cố lịch sử nhất định.

Về mặt lịch sử, thời kì trung đại Việt Nam có thể chia làm bốn giai đoạn. Giai đoạn đầu từ thế kỉ X đến thế kỉ XV, đất nước thoát khỏi ách thống trị của phong kiến phương Bắc, ra sức xây dựng nền độc lập tự chủ, theo hình thái xã hội phong kiến ngày một rõ hơn. Ở giai đọa này, quyền lợi giai cấp thống trị và nhân dân cơ bản thống nhất với nhau. Giai đọan hai từ thế kỉ XVI đến nửa đầu thế kỉ XVIII, đất nước không còn ngoại xâm nhưng khủng hoảng đã xuất hiện. Tầng lớp giai cấp phong kiến mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa nhân dân và tầng lớp phong kiến ngày càng mạnh mẽ được thể hiện qua các cuộc chiến tranh phong kiến, chia cắt lãnh thổ và các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Giai đoạn ba từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX, chế độ phong kiến Đàn Ngoài lẫn Đàng trong rơi vào tình trạng khủng hoảng trần trọng và sụp đổ, đấu tranh của nhân dân ngày càng mạnh mẽ, rơi vào hiểm họa bị xâm lăng. Giai đoạn thứ tư là nửa sau thế kỉ XIX, thực dan Pháp xâm lược, triều đình bạc nhược, nhân dân anh dũng chống giặc ngoại xâm. Xã hội phong kiến chuyển sảng thực dân nửa phong kiến. 

Cùng với sự phát triển của lịch sử xã hội, văn học thời trung đại cũng vận động về nội dung và hình thức tương ứng. Tuy nhiên, văn học thời kì trung đại đã tồn tại và phát triển trong khuôn khổ xã hội với nền văn hóa riêng, hệ thống tư tưởng mỹ học riêng đã tạo nên những đặc trưng riêng, mang tính ổn định và xuyên suốt trong cả quá trình phát triển của nó.

2.2. Văn học trung đại như một loại hình văn học: đây cũng là cơ sở làm căn cứ để xếp văn học trung đại vào loại hình văn học.

2.2.1. Văn học trung đại với tư cách là một kiểu (loại) văn học: Thể hiện rất rộng đối với khái niệm “văn học”. Văn học viết trung đại bao gồm các thể loại hành chức, tức là có những chức năng đặc thù ngoài văn học, thường là chức năng tôn giáo, nghi lễ hay công vụ. Tên gọi các thể loại thường là tên của chức năng mà nó thực hiện, như cáo, biểu tế, điếu, lệnh, kí…

2.2.2. Văn học trung đại là tình trạng song ngữ của văn học: tính chất song ngữ tạo thành đặc điểm văn học nhiều thành phần, bên cạnh văn học bằng thứ tiếng vay mượn quan phương có văn học tiếng bản địa, văn học viết và văn học dân gian truyền miệng. Đồng thời, do tính chất ý thức hệ trong việc sử dụng ngôn ngữ, tính chất song ngữ trung đại là một song ngữ bất bình đẳng, ngôn ngữ cao nhã và tầm thường. Do đặc điểm này mà văn học chia thành loại tao nhã, cao thượng, với văn học “nôm na”, thông tục, mà loại sau nhiều khi không được thừa nhận từ phía học giả quan phương, mặc dù chữ Nôm, thơ Nôm không bị cấm và nhiều bậc đế vương yêu chuộng thơ Nôm.

2.2.3. Văn học trung đại chịu sự chi phối mạnh mẽ của tư tưởng kinh điển và tôn giáo: tư tưởng kinh điển và tôn giáo đã cung cấp cảm hứng, đề tài, chủ đề và gợi ý các thể loại cho văn học trung đại. Bản thân ảnh hưởng của tư tưởng tôn giáo và kinh điển đem lại các hệ quả quan trọng như: phân biệt văn học linh thiêng và phàm tục; hạn chế sức biểu hiện cá nhân và ý thức cá nhân. Một hệ quả thứ ba cũng rất quan trọng là đề cao nội dung đạo đức và tính chất giáo huấn: văn học có mối quan hệ trực tiếp với hệ tư tưởng.

2.2.4. Văn học trung đại chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của văn học dân gian. Một thế giới quan đặc thù trong sinh hoạt, một thế giới quan tự do, suồng sã, tiếp xúc thân mật với thế giới, con người và thần linh, đã nuôi dưỡng tiếng cười, tinh thần lạc quan, vui vẻ, niềm tin trần tục…là cội nguồn của tinh thần nhân đạo, dân chủ, phi quan phương trong văn học trung đại, có ảnh hưởng sâu sắc tới các tác phẩm văn học viết trung đại và đến các đời sau.

2.2.5. Văn học trung đại mang tính chất ước lệ nổi bật của hình thức biểu hiện Đành rằng bản chất của văn học nói chung là có tính ước lệ, song tính ước lệ trung đại có một tính chất khác với văn học cổ đại và văn học hiện đại. Đó là tính chất tập cổ, tính qui phạm, tính công thức, sáo ngữ (trình thức), nghi thức, tính trang trí, gắn chặt với tính truyền thống.

Ngoài các đặc điểm nêu trên, có thể chú ý các đặc điểm chung trong quan niệm về văn hóa, về giá trị, về mô hình thế giới, trong đó có con người, không gian, thời gian, làm nền tảng cho sự cảm thụ và miêu tả nghệ thuật.

Những đặc điểm loại hình nói trên sẽ giúp ta có cái nhìn tổng quát đối với nền văn học dân tộc Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX..

3. Xem xét văn học trung đại như loại hình văn học trung đại

Để tránh sự nhầm lẫn khi nghiên cứu, khi xem xét vấn đề loại hình văn học trung đại, ta phải xem xét vì sao văn học thuộc thời kì trung đại như loại hình văn học trung đại? Để giải thích vấn đề này, ta căn cứ vào 3 điểm sau đây:

Thứ nhất: khái niệm loại hình văn học trung đại giúp ta nhận rõ đặc trưng và qui luật chung của các hiện tượng văn học thời trung đại, phân biệt với loại hình văn học mới, hiện đại.

Thứ hai: khái niệm loại hình văn học trung đại giả thiết xem văn học trong thời trung đaiị như một hệ thống trong đó các yếu tố tác giả, thể loại, ngôn ngữ, người đọc quan hệ với nhau như một cấu trúc, và sự khác biệt của văn học cổ và văn học hiện đại là do cấu trúc ấy qui định. Cấu trúc văn học ấy tương ứng với một thời đại văn hóa, với mô hình thế giới, với hệ thống giá trị, với phương thức cảm nhận xác định mà chỉ với các đặc trưng văn hóa ấy người ta mới có thể hiểu được văn học trung đại, như là văn học của một giai đoạn văn học khác.

Thứ ba: loại hình văn học trung đại có qui luật phát triển riêng cũng như có các mối quan hệ qua lại với các nền văn học láng giềng theo một kiểu khác với văn học hiện đại.

Một cái nhìn hệ thống, chỉnh thể đối với loại hình văn học trung đại như vậy có thể giúp ta nhận rõ giá trị các hiện tượng văn học cụ thể, tránh được sự nhầm lẫn.

Kết luận

 Như vậy, văn học trung đại của các nước trên thế giới dù có cách xa nhau về thời gian, nhưng nó vẫn có những đặc trưng giống nhau vì nó thuộc loại hình chung.

Thực hiện :
Nhóm học viên
Lớp Cao học Văn 16



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét