Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

CÁI KÌ ẢO TRONG CHUYỆN HOA, CHUYỆN QUẢ CỦA PHẠM HỔ (Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Cao học Văn K18)


TÓM TẮT. 

Cái kì ảo là một hình thức nghệ thuật được sử dụng rộng rãi trong thể loại cổ tích. Khi viết Chuyện hoa, chuyện quả, nhà văn Phạm Hổ đã khai thác triệt để yếu tố thi pháp này. Một mặt, ông tiếp tục sử dụng các yếu tố kì ảo quen thuộc của truyện kể dân gian; mặt khác, ông tạo ra một số hình thức mới, khiến cho hệ thống cái kì ảo của Chuyện hoa, chuyện quả trở nên phong phú, đa dạng. Có thể nói, cái kì ảo trong truyện của Phạm Hổ đã được sử dụng thành công, góp phần làm nên giá trị độc đáo cho tập truyện.

Từ khoá: Phạm Hổ, truyện cổ tích, cái kì ảo, vật thiêng, biến dạng, sự tích.

1. Đặt vấn đề

Cái kì ảo (fantastic) vốn được sử dụng rộng rãi trong mọi nền văn học, cả trong sáng tác dân gian lẫn thành văn. Theo quan điểm chung, nó “được tạo ra nhờ trí tưởng tượng và được biểu hiện bằng các yếu tố siêu nhiên, khác lạ, phi thường, độc đáo…”(1). Là một hình thái nhận thức thẩm mĩ, cái kì ảo có những ưu thế riêng trong việc chiếm lĩnh hiện thực và tạo sức hấp dẫn của tác phẩm đối với bạn đọc, nhất là với lứa tuổi thiếu nhi vốn “thích nhìn sự vật trong những phép màu”(2).

Nhà văn Phạm Hổ (1924 – 2007) khi sáng tác cho thiếu nhi cũng rất chú ý tới vai trò của cái kì ảo. Vì vậy, trong hầu hết các truyện cổ tích của ông, nhất là tập Chuyện hoa, chuyện quả, cái kì ảo đã trở thành một yếu tố thi pháp quan trọng, đem lại thành công chung cho những câu chuyện sự tích về hoa quả. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu lâu nay về Chuyện hoa, chuyện quả, cái kì ảo chưa được bàn kĩ, chưa được khảo sát một cách hệ thống, chuyên sâu…

2. Vai trò của cái kì ảo trong Chuyện hoa, chuyện quả

2.1. Các hình thức của cái kì ảo

Trong Chuyện hoa, chuyện quả, cái kì ảo được sử dụng bao gồm nhân vật thần kì, vật thiêng và mô típ biến dạng.

Trước hết, đó là các nhân vật thần kì. Ở nhóm này, nhà văn bên cạnh việc sử dụng các nhân vật Bụt, Tiên quen thuộc còn bổ sung thêm một vài gương mặt mới như thần Đất (Hai ông cháu và túp lều dột nát), ông Táo (Cô bé và ông Táo), bà Chúa Hồ (Những bông hoa mới ở Hồ Thơm)… Điểm chung giữa các nhân vật trên đều là “hiền thần”, có vai trò phù trợ, giúp đỡ con người vượt qua thử thách. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của Phù Thủy – đại diện cho sức mạnh của cái ác, giúp đỡ và tạo cơ hội cho kẻ ác làm việc xấu (Những bông hoa mới ở Hồ Thơm).

Một điểm mới ở truyện Phạm Hổ đó là sự xuất hiện của các con vật thần kì. Đó là con nhện, con ốc, con ong trong Chuyện nàng Mây; là chim én trong Cô gái thêu tài và chàng trai dệt giỏi, hay con cua trong truyệnCon cua lửa… Trong số đó, ấn tượng hơn cả chính là những con ốc trongtruyện Những con ốc kỳ lạ. Đặc điểm của các con ốc này là đổi màu tuỳ theo kết quả học tập của từng người. Vì thế, chỉ cần nhìn vào màu sắc của con ốc mà người thầy hay bất cứ ai đều có thể biết được sự tiến bộ của người đeo ốc ra sao. Đây có thể xem là một sáng tạo đặc sắc của nhà văn Phạm Hổ.

Trong một số truyện, nhà văn Phạm Hổ còn sử dụng cái kì ảo dưới dạng vật thiêng. Đó có thể là đồ vật quen thuộc nhưng khả năng lại diệu kì như cái kéo cắt được nắng (Cái kéo kì lạ); chiếc vòng đeo tay và cái túi con có khả năng chữa khỏi bệnh và bảo vệ con người trước sự hãm hiếp của người khác (Những bông hoa mới ở Hồ Thơm). Những vật thiêng này cũng là kết quả nỗ lực tìm tòi, sáng tạo của nhà văn nhằm làm cho hệ thống cái kì ảo thêm phần phong phú.

Sáng tác Chuyện hoa, chuyện quả, Phạm Hổ nhằm giải thích cho các em về nguồn gốc một số loài hoa quả. Vì thế, motif biến dạng được ông sử dụng nhiều lần như một phương án tối ưu cho yêu cầu lí giải nói trên. Cố nhiên, motif biến dạng còn được sử dụng cho những yêu cầu nghệ thuật khác, nhất là kiến tạo tình huống phục vụ triển khai chủ đề tư tưởng tác phẩm (Tiếng sáo và con rắn, Ăn lá mà nhả ra vàng, Người mẹ nghèo ít gạo nhiều con…).
Từ mô tả trên, có thể thấy, hệ thống cái kì ảo trong Chuyện hoa chuyện quả được hình thành từ hai nguồn: vay mượn các khuôn hình văn học dân gian kết hợp với một số sáng tạo mới của nhà văn. Sự kết hợp này đã đem lại cho Chuyện hoa, chuyện quả một sắc màu cổ tích cần thiết, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của trẻ em thời hiện đại. Vấn đề là, nhà văn đã sử dụng các yếu tố kì ảo đó ra sao, tạo được hiệu quả như thế nào trong từng tác phẩm cụ thể?

2.2. Vai trò của cái kì ảo trong Chuyện hoa, chuyện quả

Với tư cách là một phương tiện nghệ thuật, cái kì ảo có nhiệm vụ tham gia biểu đạt nội dung tư tưởng và tổ chức cốt truyện. Vai trò của cái kì ảo trong Chuyện hoa, chuyện quả cũng không ngoài những yêu cầu chung đó.

2.2.1. Cái kì ảo với việc thể hiện nội dung tư tưởng tác phẩm

Giá trị của các hình thức nghệ thuật gắn liền với hiệu quả biểu đạt nội dung tư tưởng tác phẩm. Theo ý nghĩa đó, giá trị của yếu tố kì ảo trongChuyện hoa, chuyện quả chính là thể hiện quan niệm nghệ thuật, tư tưởng xã hội – nhân sinh của nhà văn sao cho có sự, có việc, linh động và hấp dẫn, đó chính là việc thể hiện nội dung sự tích, đồng thời truyền tải một số thông điệp có tính triết lí về đạo đức nhân sinh phù hợp với quá trình rèn luyện nhân cách, tâm hồn của các em.

Theo nhà văn Nguyên Ngọc, “tác giả Chuyện hoa, chuyện quả đang muốn đưa ra một lý thuyết khác về nguồn gốc muôn loài”(3). Trong trường hợp này, motif biến dạng tỏ ra đắc dụng, được nhà văn sử dụng vào cuối mỗi truyện, nơi lời giải thích bắt buộc phải xuất hiện.
Lấy ví dụ truyện Người mẹ nghèo ít gạo nhiều con: sau khi chết, người mẹ nghèo hóa thành cây sung mọc ngay bên bờ sông “vừa để ngả bóng mát xuống túp lều của đàn con, vừa nhắc nhở các con đừng quên những ngày nghèo khổ túng thiếu thuở xưa và lo chăm làm ăn, đùm bọc lẫn nhau”. Hoặc trường hợp hai vợ chồng trong Ăn lá mà nhả ra vàng, người chồng hóa thành con tằm còn người vợ hóa thành cây dâu, tiếp tục gắn bó với nhau.
Trong việc sử dụng motif hoá thân nói trên, chúng ta thấy dụng ý đề cao vai trò của con người, đề cao cái thiện, cái tốt của nhà văn Phạm Hổ. Rõ ràng, qua từng câu chuyện, tác giả luôn khẳng định mỗi loài hoa, mỗi loại quả đều là sự hoá thân từ những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống con người và loài vật. Cố nhiên, ông không tuyệt đối hoá, vẫn thừa nhận sự tồn tại của cái xấu trong thế giới rộng lớn này. Truyện Cơm cho chó ăn là một ví dụ về sự hoá thân của cái xấu: người phụ nữ độc ác biến thành cây chó đẻ.

Chuyện hoa, chuyện quả còn thể hiện một số triết lí đạo đức của nhà văn. Có thể nói, mỗi huyền thoại về thiên nhiên cũng đồng thời là một huyền thoại về vẻ đẹp của con người. Với ông, thế giới hoa quả luôn mang bóng dáng đời sống tâm hồn con người; là kết tinh những tình cảm cao quý giữa mẹ với con, anh với em, thầy với trò, vợ với chồng, mỗi người với quê hương đất nước... Khi thế giới Chuyện hoa, chuyện quả Phạm Hổ mở ra, các em sẽ thấy được giá trị của tình yêu thương, để từ đó có được định hướng trau dồi tâm hồn cần thiết. Phạm Hổ là nhà văn vốn coi trọng tình yêu thương nên triết lí cổ tích của ông cũng dường như xoay quanh phạm trù đạo lí này. Các nhân vật của ông hầu hết đều hành động bởi sự thôi thúc của tình cảm yêu thương. Và tình cảm ấy, cuối cùng, đã tượng hình, đơm hoa kết trái thành muôn loài hoa quả hữu ích cho con người.

Yếu tố kì ảo cũng còn tham gia thể hiện khát vọng của con người. Mơ ước của con người từ bao đời nay là được sống trong một xã hội tốt đẹp, nhà nhà ấm no, người người hạnh phúc; khi gặp trắc trở, nguy nan thì được giúp sức vượt qua. Tiếp tục tinh thần này của truyện cổ tích dân gian, Phạm Hổ cũng hay nói đến lực lượng thần tiên xuất hiện đúng lúc, giúp các nhân vật người tốt chiến thắng thử thách. Có thể quan sát điều này qua truyện Cô bé và ông Táo với việc nhân vật ông Táo giúp cho cô bé xinh đẹp, tài đức trở về đoàn tụ với gia đình, với làng xóm mỗi dịp Tết đến, xuân về… Có thể nói, chỗ độc đáo ở Phạm Hổ chính là khai thác sâu vào nỗ lực vượt khó của bản thân các nhân vật; còn Bụt, Tiên nếu có giúp đỡ cũng chỉ là thêm phần tác động tích cực mà thôi. Sự thay đổi này là cần thiết, có tác dụng khuyến khích mỗi người biết tự vượt lên mọi thử thách bằng chính tài năng và sự cố gắng của bản thân.

Như vậy, cái kì ảo đã tham gia biểu đạt khá nhiều nội dung tư tưởng của tác phẩm Chuyện hoa, chuyện quả. Qua lớp màn kì ảo, những lớp hiện thực đời sống và tư tưởng đã lần lượt hiện ra, đưa đến những thu hoạch thú vị cho người đọc.

2.2.2. Cái kì ảo với việc tổ chức cốt truyện

Trong tác phẩm tự sự, cốt truyện có một vai trò hết sức quan trọng. Vì thế, việc xây dựng cốt truyện luôn được nhà văn ý thức một cách sâu sắc.

Đối với truyện cổ tích, dù dân gian hay hiện đại, sự tham gia của cái kì ảo vào tổ chức cốt truyện là rất cần thiết. Trước hết, nó giúp vào việc kiến tạo tình huống để trên cơ sở đó nhà văn mô tả nhân vật cũng như tạo ra một vài lớp truyện cần thiết. Phân tích truyện Tiếng sáo và con rắn, chúng ta sẽ thấy rõ vai trò này của cái kì ảo. Ở truyện này, tình huống của câu chuyện gắn với việc phân định trắng đen, thật giả. Nguyên do, có con rắn đã biến dạng thành người phụ nữ giống hệt vợ chàng trai thổi sáo, và tự nhận là vợ anh ta. Tình huống này khiến cho các nhân vật “châu tuần” lại với nhau, bộc lộ khả năng ứng xử của mỗi người: chàng trai lúng túng, người vợ thật tinh tế, cụ già đa mưu túc trí… Không thể phủ nhận, motif biến dạng (rắn biến thành người phụ nữ) đã mở ra những khả năng to lớn cho nghệ thuật kể chuyện của Phạm Hổ. Ông đã khiến cho người đọc vô cùng hồi hộp, lần theo từng lời kể trong một lớp truyện phân xử dài hơi. Rõ ràng, không có motif này, tình huống này, câu chuyện về sự tích hoa Thiên Lý sẽ mất đi sức hấp dẫn cần thiết.

Ở Chuyện nàng Mây, nhà văn sử dụng các tình huống thử thách với nhiều yếu tố kì ảo khác nhau. Nàng Mây phải trải qua ba tình huống do công chúa Như Hoa đưa ra, các tình huống này xuất hiện lần lượt với mức độ ngày càng khó hơn. Theo đó, các nhân vật thần kì cũng lần lượt hiện ra giúp đỡ. Tình huống thứ nhất nàng Mây phải thực hiện, trong ba ngày phải tự một mình làm cho rễ mấy gánh bèo trắng như mây. Trước tình huống đó, Ốc nhỏ đã hiện ra giúp nàng vượt qua thử thách. Tình huống thứ hai có mức độ khó hơn, cũng trong ba ngày nàng phải chắp hết các rễ bèo liền lại với nhau thành một sợi chỉ dài. Nàng đã vượt qua thử thách nhờ sự giúp đỡ của Nhện ông và Nhện Nâu. Cuối cùng nàng phải nhét hết cuộn chỉ to đó vào cái vỏ hồng vừa được công chúa ăn hết ruột. Ở chặng này, nhân vật thần kì chính là Ong Chúa và Ong Vàng đã giúp nàng hoàn thành thử thách. Mỗi lần vượt qua một tình huống nàng Mây càng xinh đẹp hơn, càng khiến công chúa bực tức và xấu hơn nhiều lần. Như vậy, nhờ những cái kì ảo mà các lớp truyện lần lượt được triển khai, nhân vật được nhà văn miêu tả cụ thể hơn. 

Vai trò của cái kì ảo còn được thể hiện ở việc khai thông bế tắc cho câu chuyện. Ở truyện cổ tích nói chung và Chuyện hoa, chuyện quả của Phạm Hổ nói riêng, chúng ta thường thấy các nhân vật thần kì được “huy động” mỗi khi nhân vật chính lâm vào tình trạng bế tắc. Trong Ruột vàng hạt lắm, nhân vật anh Mít gặp phải nạn đói hành hạ, được bà Tiên nhân hậu giúp đỡ mà có được miếng ăn qua ngày. Hay đó là những lúc bế tắc của các nhân vật chính trong truyện Những bông hoa mới ở Hồ Thơm, khi cô em bị bệnh không cứu chữa được, chiếc vòng đeo tay của cô chị lại là phương thuốc hữu hiệu giúp cứu được mạng sống cô em. Lúc cô chị sắp bị con của viên quan hãm hiếp, cái túi con của cô em lại giúp bảo vệ sự trong trắng của cô chị. Nhất là khi tất cả mọi người đều tưởng hai chị em đã chết, thì bà chúa Hồ xuất hiện cứu sống và đưa hai nàng trở về với người thân. Nếu thiếu những yếu tố kì ảo này câu chuyện không còn bất ngờ, hấp dẫn nữa.

Đặc biệt, cái kì ảo thường hay xuất hiện trong phần kết truyện. Vì thế, trong nhiều trường hợp, nó góp phần tạo nên tính chất có hậu hay giảm sắc thái bi kịch cho câu chuyện. Điều này thường liên quan tới motif biến dạng. Đọc truyện Cô bé và ông Táo, các em hẳn sẽ an lòng khi cô bé dũng cảm vẫn trở về với gia đình, với làng xóm vào những ngày Tết cổ truyền. Theo truyện, cô đã bị chết khi đánh nhau với quái thú trừ hại cho người dân trong vùng. Nhờ có ông Táo xin với Trời nên mỗi năm cô được về chơi với gia đình trong dịp quan trọng nhất của mỗi năm. Sự trở về dưới dạng sắc mai vàng này quả đã khiến cho câu chuyện về cái chết vơi bớt sắc thái bi thương, khiến cho cái đẹp trở nên lung linh, bất tử. Hay trong Màu áo màu hoa, cái chết của Nhài đã hoá thành loài hoa màu trắng muốt, hương thơm nồng nàn. Loài hoa ấy đã khiến cho anh Sinh cảm thấy được an ủi, câu chuyện tình yêu của hai người trở nên ý vị hơn trong mắt mọi người.

3. Kết luận

Việc sử dụng yếu tố kì ảo trong Chuyện hoa, chuyện quả là một tất yếu, xuất phát từ đặc trưng thể loại. Ngoài những hình thức kì ảo quen thuộc của truyện kể dân gian, Phạm Hổ cũng đã khai sinh ra một số yếu tố mới, tạo được thú vị bất ngờ đối với bạn đọc. Hệ thống cái kì ảo nhờ vậy trở nên trong truyện cổ tích Phạm Hổ trở nên phong phú hơn, đa dạng hơn. Đó là điều đáng được ghi nhận về tài năng, sự nỗ lực lao động nghệ thuật của nhà văn nhằm nối dài sức sống của thể truyện cổ tích trong bối cảnh văn học Việt Nam hiện đại.

CHÚ THÍCH

1. Lê Nguyên Cẩn (2003), Cái kì ảo trong tác phẩm của Balzac, Nxb ĐHSP, Hà Nội, tr.16.

2. Văn Hồng (2012), Văn học thiếu nhi nửa thế kỉ một chặng đường, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, tr.54.

3. Nguyên Ngọc (1999), “Phạm Hổ với những chuyện hoa, chuyện quả của anh”, Tuyển tập Phạm Hổ, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.943.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Châu Minh Hùng – Lê Nhật Ký (2009), Hệ thống thể loại trong văn học thiếu nhi, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

2. Nhật Ký (2013), “Cái kì ảo trong văn học thiếu nhi Việt Nam”,Yếu tố kì ảo và huyền thoại trong văn học, Trường ĐH Khoa học Huế, tr.95 – 100.

3. Lã Thị Bắc Lý (2003), Văn học trẻ em, Nxb ĐHSP, Hà Nội.

4. Nhiều tác giả (2000), Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi chủ biên), Nxb ĐHQG, Hà Nội.

5. Hoàng Tiến Tựu (1998), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.


* Nguồn: Kỷ yếu Hội nghị NCKH Ngữ văn năm 2017, tr 24, Khoa Ngữ văn, trường Đại học Quy Nhơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét