Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

CẤU TRÚC ĐỐI LẬP TRONG NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ (Nguyễn Thị Hồng Khánh)


1. Cơ sở lí luận để nghiên cứu vấn đề

“Nhân vật văn học là con người được miêu tả trong văn học bằng phương tiện văn học.” [13; 277]. Trong một tác phẩm văn học, nhân vật vừa là phương tiện, là công cụ để khái quát đời sống, vừa là nơi thể hiện tập trung quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn. Vì vậy, việc xây dựng nhân vật là một khâu quan trọng đối với bất kì nhà văn nào khi bắt đầu viết tác phẩm. Nhân vật trong tác phẩm văn học thường được xây dựng thông qua các phương tiện nghệ thuật theo một mô hình nào đó. Nhân vật có thể được miêu tả một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bằng các chi tiết nghệ thuật, các tình tiết và sự kiện. Nhân vật càng sống động, càng có sức khái quát lớn thì càng thể hiện được tài năng của tác giả.

Sau 1975, cùng với sự đổi mới trong quan niệm và cách tiếp cận hiện thực, văn học cũng nhìn con người với một tư cách hoàn toàn khác. Nhà văn đặc biệt quan tâm đến con người như một cá thể, một thực thể sống trong đó chứa đựng cả phần nhân loại phổ quát. Nhận thức và quan niệm mới về con người tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi trong thế giới nhân vật của văn học, đặc biệt là văn xuôi. Thế giới nhân vật trở nên phong phú, đa dạng hơn rất 

nhiều. Cũng giống như các nhà văn cùng thời, trong nỗ lực tìm kiếm một cách thức thể hiện con người riêng trong tác phẩm của mình, Nguyễn Ngọc Tư đã tạo ra một thế giới nhân vật riêng, độc đáo. Ở đây, chúng tôi tập trung nghiên cứu về kiểu nhân vật có sự đối lập giữa biểu hiện bên ngoài và tâm lý bên trong, có sự mâu thuẫn trong tính cách.

Hình tượng văn học thường được xem xét ở nhiều góc độ khác nhau. Ở đây, chúng tôi xem hình tượng văn học như một cấu trúc đa dạng, phức tạp, được tạo dựng bởi nhiều yếu tố có quan hệ mật thiết, biện chứng với nhau và luôn đạt đến sự hài hòa lí tưởng, toàn thiện, toàn mĩ. Và giống như cái đẹp nói chung, vẻ đẹp hài hòa trong cấu trúc của hình tượng về cơ bản dựa trên sự hài hòa, cân xứng… Song ở mỗi thời đại khác nhau thì tính chất hài hòa, cân xứng ấy lại có những biểu hiện cụ thể khác nhau. Với văn học truyền thống, cái hài hòa thường đi liền với sự đối xứng. Đến văn học hiện đại thì cấu trúc hình tượng trở nên đa dạng, phức tạp hơn. Và chúng ta cũng có thể coi cấu trúc hài hòa phi đối xứng là kiểu đặc trưng cho văn học hiện đại.

Trong cấu trúc nhân vật, tính chất phi đối xứng thể hiện rõ nhất ở việc nhà văn không đi sâu vào khám phá mâu thuẫn giữa nhân vật này với nhân vật khác đại diện cho những tầng lớp khác nhau trong xã hội, mà chủ yếu khai thác sự đối lập giữa biểu hiện bên ngoài và tâm lý bên trong, sự mâu thuẫn trong tính cách. Hình tượng nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư thường có cấu trúc phức hợp, đa chiều và rất hiện đại. Sự hài hòa của nó không thể hiện ở bề mặt của tác phẩm mà ở chiều sâu bên trong của hình tượng.

2. Sự đối lập giữa biểu hiện bên ngoài và tâm lý bên trong ở các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư

Đó là những nhân vật có sự đối lập giữa biểu hiện bên ngoài và tâm lý bên trong. Sự đối lập ấy không phải tự nhiên, không phải do mâu thuẫn vốn có trong tính cách mà vì người ta phải giấu đi tình cảm của mình để hy sinh cho người khác. Kìm nén những tình cảm, cảm xúc, giấu nỗi đau quay quắt trong lòng để giữ một khuôn mặt tươi tỉnh, để cố sống bình thản mong rằng người khác vì thế mà an tâm hơn, bớt day dứt trong lòng. Ấy là những con người cao thượng và Nguyễn Ngọc Tư đã tìm được một nguyên tắc thể hiện phù hợp để xây dựng kiểu nhân vật này. Cô thường hay để nhân vật tự chịu đựng một mình, buồn thầm, đau thầm, không cho ai biết, ai hay, đẩy nỗi đau vào tận sâu kín lòng mình.

Những mối tình dang dở, người này biết chấp nhận, giấu đi nỗi đau của mình để người kia bước đi khỏi day dứt trong lòng. Có buồn, có đau khổ, dai dẳng lắm, xa xót lắm mà sao cứ nhẹ tênh, không hề bi lụy như kiểu người ta thất tình. Thì thôi, trách mà làm gì, giận mà làm gì, mình buồn đau đã đành, chỉ mong người ta sống thanh thản, hạnh phúc. Phải chăng, vì vậy mà đọc truyện Nguyễn Ngọc Tư, tuy chứng kiến nhiều cuộc tình buồn nhưng ta vẫn có cảm giác như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Mọi chuyện cứ tự nhiên trôi đi một cách “tỉnh bơ” như cuộc sống vốn có.

Hoàn cảnh nhiều khi lắm trớ trêu. Trong truyện Huệ lấy chồng, hai cô cậu học trò mến nhau, rồi yêu nhau khi chàng trở thành anh giáo làng, còn nàng trở thành cô thôn nữ xinh đẹp. Những tưởng họ sẽ là một đôi uyên ương tuyệt đẹp, tình yêu sẽ đơm hoa hạnh phúc. Nào ngờ, chẳng biết vô tình hay cố ý, chàng trai đã thành người phụ bạc. Anh chuyển lên dạy ở thành thị, đi lại với con gái ông trưởng phòng giáo dục huyện, rồi bị “gài bẫy”, phải cưới. Mỗi người một ngả, người con gái lên xe hoa mà không biết người yêu mình đáng giận hay đáng thương. Nhưng dù giận hay thương, Huệ cũng không thể quên. Mà cũng không để cho ai biết mình còn nhớ. Bề ngoài, “Huệ vẫn roi rói, người ta thấy nó không thèm rớt một giọt nước mắt nào như nó với Thi chưa từng có duyên dẻ gì nhau” [52; 45] nhưng sâu thẳm bên trong là một niềm thương nhớ day dứt mãi không nguôi.

Huệ cố giấu đi nỗi lòng mình cho Thi bớt đau, bớt áy náy; cho người than yên tâm; cho người chồng sắp cưới của mình được vui trọn. Giấu người ta nhưng không giấu được chính mình. Nguyễn Ngọc Tư đã đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật để phát hiện và miêu tả những nét tâm lí vô cùng tinh tế. Đó là một trong những nguyên tắc thể hiện con người trong tác phẩm của chị. Đêm trước ngày về nhà chồng, Huệ nghe “gió chạy thông thống trong lòng.” [52; 38]. “Huệ lại chỗ đầu nằm, giở gối lên, nâng niu ấp trong tay tập chép bài ca đã cũ. Nhắm mắt, nó vẫn lật ra ngay cái trang có nét chữ nắn nót của Thi.” [52; 40]. Để rồi, ngày rước dâu: “Nó ngơ ngẩn ngó lên bờ lòng chao chát một nỗi thèm muốn. Nó muốn chạy vô xóm, tới nhà Thi gặp anh và nói cho anh hay rằng nó hết thương Thi rồi, nó quên anh, quên thiệt.” [52; 47]. Nhưng liệu trái tim kia có quên nổi một người? …

Trong truyện Nhà cổ, có người con trai phải hy sinh, giấu đi tình cảm của mình để anh trai được hạnh phúc. Hai anh em Tứ Hải, Tứ Phương cùng yêu chị Thể. Nhưng nhường qua nhường lại hoài, mãi không ai mở lời. “Anh Tứ Phương xung phong đi bộ đội. Anh đi mà không nói gì với chị Thể, tôi cứ nằng nặc đi theo hỏi tại sao, anh nói, “Thương anh Hai quá, … mười bốn tuổi ảnh đã thay cha mẹ nuôi anh, quán xuyến trong ngoài, học hành lỡ dở…”” [52; 66]. Tình yêu thiết tha sâu nặng là vậy, nhưng người ta sẵn sàng chôn giấu trong lòng để hy sinh vì một tình cảm khác lớn lao hơn. Giấu … mà quên không được, chỉ lặng lẽ thương một mình, đau một mình. “Anh Tứ Phương về, ngó chị Thể nuôi con gầy ngẳng, lặng lặng mà đau.” [52; 67]. Nỗi đau chìm vào trong, nằm tận đáy sâu tâm hồn để mà đau hoài, đau mãi.

Đọc Nước chảy mây trôi lại nghe như bế tắc bởi mối tình câm của cô học trò với thầy giáo, sau này trở thành bố dượng của mình. Ôm mối tình thầm lặng, trái ngang, Diệp không thể trách ai, không thể nói cùng ai và càng không thể yêu ai được nữa. Để rồi, mỗi khi nghe mẹ hỏi chuyện tình cảm của mình, mỗi khi tự trả lời câu hỏi “mình yêu ai?” lại nghe gió thổi tơi bời trong lòng. Diệp không nói, không thở than. Cô che giấu tình cảm ấy. “Hôm sau, Diệp gọi thầy Nhiên bằng ba (nó bẻ miệng đến toát mồ hôi ra). Mẹ với thầy nghe lạ, phì cười. Diệp tá hỏa, tiếng gọi ấy với nó không có ý nghĩa gì hết, kêu tiếng ba thiêng liêng mà vẫn yêu thầy, yêu thầm lặng tự hồi nào không biết …Bây giờ không biết làm sao quên được đây.”[46]. Tội nghiệp cô bé, yêu thầm lặng, đau thầm lặng và ra đi cũng thầm lặng, không ai hiểu rõ nguyên nhân vì sao. Diệp giấu, giấu để những người thân yêu không bị tổn thương. Chấp nhận ra đi như một sự hy sinh, hy sinh tình yêu, hy sinh vì những người mình yêu thương. Trong mọi hoàn cảnh, cô học trò nhỏ vẫn muốn gìn giữ cho họ những gì đẹp nhất, trọn vẹn nhất.

Có nhiều lắm những cô gái chỉ dám yêu thầm, chưa bao giờ thổ lộ tình cảm của mình. Thì thôi, người ta đã không để ý đến mình, mình nói làm chi khiến họ phải bận lòng. San – cô gái lái xe yêu anh chàng thành đạt, đào hoa là ông chủ của mình nhưng bên ngoài vẫn dửng dưng, thậm chí còn tỏ ra căm ghét anh ta nữa (Tình thầm). Cô phải chứng kiến bao nhiêu cuộc hẹn hò, bao nhiêu lời tỏ tình của anh với những cô gái khác. “Đôi khi thấy anh ghé bên đường mua quà cho Tóc Tém, cô huýt sáo vống lên che giấu một nỗi buồn ngấu trong gan ruột (…) Cô không muốn đứa em lém lỉnh nói cô ghen.” [47].

Các nhân vật trong truyện Nguyễn Ngọc Tư thường giấu đi nỗi đau riêng của mình để vun vén cho hạnh phúc của người khác. Những người con trai cố kìm nén tình yêu, giấu nỗi đau trong sâu thẳm lòng mình để người yêu yên tâm đi lấy chồng như anh Hết (Hiu hiu gió bấc), Phi (Lý con sáo sang sông). Anh Hết và chị Hoài yêu nhau nhưng anh nghèo quá, “thân sơ thất sở không một cục đất chọi chim”. Má chị Hoài không bằng lòng, bà đến gặp anh và khóc. “Những giọt nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt già nua của người đàn bà đã từng cho anh bú thép. Sáng hôm sau anh đã thay đổi, nhanh như người ta lật một bàn tay.” [52; 31]. Với anh, nợ sữa là món nợ lớn nhất đời người. Anh bỗng trở nên bê tha, chịu bố đánh, “đánh để giúp nó trả ơn đời.” [52; 32]. Anh mê chơi cờ, cố tỏ ra là mình hết thuốc chữa rồi để chị Hoài đành phải bỏ đi lấy chồng. Ngày đám cưới chị, “ anh Hết còn tỉnh bơ ngồi ngoài bờ, dưới gốc còng, hào hứng bày cờ ra chơi với mấy đứa nhỏ. Đám bạn gái ai cũng xì xầm, chắc thằng Hết không thương thiệt con Hoài nên mới dửng dưng vậy.” [52;32]. Hy sinh cho người yêu được hạnh phúc, hy sinh đến mức có cái tiếng bạc tình cũng gánh thay cho người yêu. “Tranh thủ lúc chưa làm lễ, chị Hoài rủ chị Hảo mang cả áo xống chạy ra, nhìn anh như nhìn lần chót. Anh Hết dứt khoát không ngước lên.” [52; 33]. Để rồi khi chị quay đi, anh khóc, nước mắt rơi trên con tướng. Anh “thương con chốt. Qua sông là khong mong về.” Đã bao mùa gió bấc về thổi hiu hắt lòng người, anh vẫn buồn khi đưa chốt qua sông. Làm sao quên được một người? …

Viết về những mối tình tuổi trẻ đã thâm thúy, sâu sắc, Nguyễn Ngọc Tư viết về tình cảm của người già lại càng thấm thía, day dứt hơn. Người đàn ông trong Cái nhìn khắc khoải luôn hiện lên với khuôn mặt trầm lặng mà sâu sắc như ẩn chứa biết bao tâm sự, nỗi niềm. Ông làm nghề nuôi vịt chạy đồng, sống cuộc đời lang bạt trên đồng khơi. Cô độc. Rày đây mai đó. Rồi ông tình cờ gặp chị bên bờ sông, “mặt buồn so, buồn như sắp đâm đầu xuống sông mà chết”, ông cho quá giang rồi cho ở nhờ, đợi hỏi thăm tin tức người chồng. Có chị, ngôi nhà ấm áp hẳn lên. Chị lo cho ông ấm trà, bữa cơm, điếu thuốc. “Những chiều, lùa bầy vịt no căng lườn từ ngoài ruộng về, ông xúc tô cơm, ngồi ngoài gốc cây vú sữa già đã cưa thành cái đôn, vừa ăn vừa nhìn cây chanh núm bắt đầu ra trái. Dưới cầu ao, chị đang lật đít xoong chùi lọ nghẹ, cảnh chiều êm đềm.” [52; 57]. 

Hơn ai hết, ông khát khao biết bao một mái ấm bình yên như thế. Ông thấy tuổi già của mình đỡ cô quạnh, cảnh nghèo của mình đỡ buồn tủi. Nó an ủi và làm ấm lòng ông biết bao nhiêu. Nhưng ông biết cô Út vẫn lưu luyến người chồng cũ, vẫn ngóng đợi tin tức của anh. Và ông đành giấu kín những tình cảm, những mong ước của mình, quyết định nói cho cô Út biết tin tức về người chồng cũ. Ông rót ly rượu uống mà buồn. “Đêm đó, nghe ông thở dài.” [52; 57]. Sáng hôm sau, khi lùa bầy vịt cắt vạt đồng hối hả trở vô, tới liếp tràm bông vàng, ông ngồi lại. “Ở nhà không biết có còn ai? Lỡ không còn ai… Ông bồn chồn” [52; 61].

Những nhân vật kiểu này được tác giả xây dựng rất gần gũi, bình dị và sâu sắc. Đó là kết quả của nguyên tắc thể hiện con người từ chiều sâu nội tâm. Nguyễn Ngọc Tư không đặt vấn đề trong sự va đập gay gắt của hoàn cảnh, “cũng không đẩy tới tận cùng những xung đột quyết liệt của tính cách mà đi sâu vào tâm trạng nhân vật làm nổi bật chủ đề và bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của con người: sự chịu đựng, đức hy sinh, lòng vị tha, bao dung qua gian nan thử thách.” (Minh Phương) [22]. Nguyễn Ngọc Tư không tập trung khắc họa ngoại hình nhân vật mà hướng ngòi bút của mình vào việc phản ánh thế giới nội tâm của nhân vật; tìm hiểu, khai thác chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn con người, kể cả những nỗi niềm chôn giấu. Chính vì thế mà những nhân vật của chị hiện lên với đời sống nội tâm vô cùng phong phú.

Nhà văn đã rất tài tình trong việc khắc họa tâm lí nhân vật với những diễn biến hết sức phức tạp và tinh vi. Từ cái “lặng lặng mà đau” của Tứ Phương (Nhà cổ) đến cái “ngơ ngẩn (…) lòng chao chát một nỗi thèm muốn” của Huệ (Huệ lấy chồng), từ nỗi buồn giấu trong gan ruột của San (Tình thầm) đến nỗi niềm “thương con chốt qua sông” của anh Hết (Hiu hiu gió bấc), từ nỗi nhớ thương “mênh mang, sâu rứt” của Phi (Lý con sáo sang sông) đến nỗi lòng “bồn chồn, khắc khoải” của “ông” (Cái nhìn khắc khoải).

Đặc biệt, khi thể hiện tậm trạng, Nguyễn Ngọc Tư hay miêu tả sự cảm nhận của nhân vật đối với các yếu tố ngoại cảnh. Huệ nghe “gió chạy thông thống trong lòng”. [52; 38]. “Mà, sao bữa nay gió lạnh quá chừng, gió te tái đưa tới một tiếng gà đang gáy, nghe từng giọt, từng tiếng buồn thỉu.” [52; 39] (Huệ lấy chồng). Diệp nghe gió thổi tơi bời trong lòng (Nước chảy mây trôi). Và “Tôi nghe rất rõ gió cuộn thành lọn, lăn miết trên da mình. Có nỗi buồn nào đó đang thở rất mạnh.” (Lý con sáo sang sông) [48; 78]. Có thể nói, đây là một nét đặc sắc trong nguyên tắc thể hiện con người của Nguyễn Ngọc Tư.

Nguyễn Ngọc Tư đã đặt nhân vật trong những tình huống có sự lựa chọn giữa hạnh phúc của mình và hạnh phúc của người khác. Trong tình huống ấy, nhân vật đã bộc lộ những diễn biến tâm lí, những cảm xúc thật nhất của lòng mình. Cuối cùng, đều đi đến một sự lựa chọn: giấu đi tình cảm trong lòng, hy sinh hạnh phúc của mình vì hạnh phúc của người yêu. Đó là một trong những nguyên tắc thể hiện con người trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.

Trong nghệ thuật miêu tả tâm lí, Nguyễn Ngọc Tư không kể lể, phân tích dài dòng, chỉ vài từ, vài câu ngắn gọn đã dựng lên được “bức chân dung tâm trạng” của nhân vật. Bằng nguyên tắc thể hiện con người từ chiều sâu nội tâm, nhà văn đã khám phá ra những qui luật muôn đời của giá trị nhân bản.

Những con người buồn đau lặng lẽ, tự giấu đi tình cảm của mình để hy sinh cho hạnh phúc của người khác gợi lên trong ta biết bao suy nghĩ. Ở đời, phải biết sống khoan dung, nhiều khi phải chấp nhận thiệt thòi, tìm niềm vui và sự thanh thản trong hạnh phúc của người khác. Khi xây dựng kiểu nhân vật này, Nguyễn Ngọc Tư đã khám phá và trân trọng những vẻ đẹp trong tâm hồn con người. Đó là giá trị nhân bản trong truyện ngắn của chị. Mỗi khi khép lại những trang cuối truyện, tâm hồn ta cứ phảng phất một nỗi buồn nhẹ nhàng, trong sáng nhưng day dứt, sâu nặng, khó nguôi về tình cảm con người. 

3. Sự mâu thuẫn trong tính cách ở các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư

Trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, xuất hiện kiểu nhân vật có sự mâu thuẫn trong tính cách. Ở đó, có sự kết hợp những thuộc tính trái ngược nhau, thậm chí đối lập, loại trừ nhau trong cùng một nhân vật. Chính điều đó đã làm cho nhân vật trở nên khó hiểu, bất ngờ và tạo tính hấp dẫn. Đó là một trong những nét độc đáo trong nguyên tắc thể hiện con người của Nguyễn Ngọc Tư.

Đời con người ta như một dòng sông, có khúc nông, khúc sâu, chỗ cạn, chỗ đầy, có nơi êm ả, có nơi cuộn trào mãnh liệt. Tính cách con người cũng vậy, không phải đơn giản một chiều. Trong con người có cả tốt – xấu, thiện – ác. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư vẫn tin vào phần tốt đẹp của con người. “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Khi con người va chạm với cuộc đời, đối mặt với hoàn cảnh sống nghiệt ngã, đắng cay, họ trở nên tàn nhẫn, lạnh lùng, đôi lúc còn xấu xa, độc ác. Thế nhưng, họ vẫn giữ trong sâu thẳm hồn mình ngọn lửa của tình yêu thương, vẫn ẩn khuất đâu đó nét đẹp của đạo lý làm người. Hãy chịu khó tìm hiểu, khám phá rồi bạn sẽ thấy ở con người, nhiều khi có những phẩm chất tốt đẹp không ngờ. Bằng nguyên tắc thể hiện con người trong sự mâu thuẫn giữa bên ngoài và bên trong, Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng nên một kiểu nhân vật vô cùng ấn tượng. 

Trong truyện ngắn Cỏ xanh có nhân vật Miên – một cô gái hư hỏng, là đối tượng quen mặt của cánh công an phường. Lần này nó mang tội say rượu đánh người gây thương tích. “Nói con Miên hẻm Tư Cụt ai cũng biết tiếng. Nó đi làm cỏ lần này nữa là lần thứ tư, có giáo dục gì thì cũng như nước đổ lá khoai (…) Không vui không buồn, nó là một con bé lạ lùng, lì lì như cục đá.” [48; 21]. Nhưng rồi một hôm, có anh chàng Kiên nhận ra nó là Bé Hai, kể lại những kỉ niệm thời thơ ấu, Miên đứng dậy, buông dao: “Tui không phải là Bé Hai.” “Giọng của nó không hẳn tức tưởi nhưng nghe cái âm sắc rất đỗi uất ức, nghẹn ngào. Như thể anh chàng kia đã đánh nó, đánh đau lắm, làm thức dậy một cái gì đó ngủ yên và chìm lặng.” [48; 28]. Và rồi, ui chao! Cũng có lúc con Miên rơi nước mắt. “Thì ra nước mắt của nó cũng trong vắt y hệt như nước mắt người khác (…) Cánh công an, cánh làm cỏ bối rối nhìn nhau, chia sẻ một cái nhìn thương xót.” [48; 31]. Ta hiểu rằng ”đàng hoàng hay không đàng hoàng người ta cũng biết thương nhau.” [48; 31].

Đọc Mối tình năm cũ, ta xúc động trước tình yêu dẹp đẽ, thiêng liêng của dì Thấm và liệt sĩ Nguyễn Thọ, nhưng nhân vật ông Mười (chồng sau của dì Thấm) thực sự gây ấn tượng và để lại trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ. Mọi người thấy ông “tánh tình khó khăn, ngang ngược, hổng giống ai…”. Ông thản nhiên khi thấy đài truyền hình tới, thản nhiên biểu vợ từ chối lời mời kể về cuộc đời liệt sĩ Nguyễn Thọ. Dù đoàn làm phim có cầu cứu chính quyền, lớp trưởng bối ở xóm cũng sang khuyên bảo, “nhưng ông Mười vẫn nín thinh, ngồi vấn thuốc, uống trà, nhìn xa xôi.” [52; 75]. Người ta cho ông là kẻ “ích kỉ, hẹp hòi”, ghen với người đã khuất.

Khi ông Mười đem hết thảy 49 cái thư của Nguyễn Thọ đem đốt cũng không ai cản được. “Ông không cần biết chuyện giữ gìn bút tích của Nguyễn Thọ để làm tư liệu lịch sử, lưu lại cho thế hệ mai sau gì hết, ông thấy chướng mắt đem đốt.” [52; 75]. Thằng Thảo buồn lòng bỏ đi. Không ai biết rằng “Ông Mười lặng lẽ ngồi đốt thuốc, ngó cái lưng tôm của thằng Thảo dưới bến, lòng trĩu như đeo đá (…) Ông thương nó bằng chang con ruột ông đó chớ. Bây giờ nó không hiểu, chừng nào nó lớn, yêu thương ai đó, nó sẽ biết mà.” [52; 76]. Ngay cả dì Thấm là người hiểu ông Mười nhất cũng giận, không thèm nói chuyện. Không ai hiểu rằng ông Mười đốt thư là để tìm lại nụ cười nhẹ nhõm trên khuôn mặt của dì Thấm; để những bữa từ ngoài ruộng về, ông không phải nhìn thấy vợ cầm xấp thư ở góc nhà, ngồi khóc lặng. Không phải ông ghen với người đã khuất mà vì ông không còn cách nào khác. “Cả đời, ông chỉ mong người trong nhà hiểu mình chứ trông gì người thiên hạ. Với cái tính lầm lì, lạnh lùng, ít nói, thật khó để bộc bạch mình trước người.” “Đất quê vợ mãi mãi không yêu ông như một đứa con ruột thịt.” [52; 77]. Người ta mãi không hiểu được tấm lòng của ông với vợ, với thằng Thảo, với cái đất này. Người ta chỉ thấy được cái vẻ bề ngoài mà không nhận ra nỗi lòng ẩn giấu bên trong của ông. “Ông Mười nghe, buồn quá mà cười.” [52; 77].


Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng ngòi bút đối lập khắc họa sự mâu thuẫn giữa hành động bên ngoài và tình cảm bên trong của nhân vật. Đó là nguyên tắc thể hiện con người hết sức độc đáo giúp người đọc nhận ra rằng tính cách con người không phải đơn giản một chiều. Ẩn sâu bên trong cái vẻ ngoài lạnh lùng, vô cảm là một trái tim hết mực yêu thương. Người ta hiểu ra khi “Ông Mười nhẫn nại chậm chiếc khăn lên khuôn mặt chớm già của dì, không nói gì hết, khuôn mặt bì sì của ông hơi dúm lại, dường như ông cũng đau lắm, xót lắm.” [52; 82]. Và người ta nhớ, “Cứ mỗi lần màn hình lướt qua vẻ mặt đau đớn, đẫm nước mắt của dì Thấm, họ lại nhớ tới một chiếc khăn, một bàn tay thô, một tấm lưng rộng. Họ suy nghĩ …” [52; 83]. Đó cũng là cái suy nghĩ của chúng ta khi sống giữa cuộc đời này, và cũng là cái suy nghĩ, trăn trở của Nguyễn Ngọc Tư khi đi tìm một cách thức thể hiện con người trong tác phẩm của mình.

Và Nguyễn Ngọc Tư đã đặc biệt thành công khi xây dụng nhân vật kiểu này trong Cánh đồng bất tận. Đề cập đến phương diện này, nhà thơ Hữu Thỉnh đã có nhận xét: “Cô ấy đã tiến thêm một bước về nghề là xây dựng được những nhân vật đa diện, nhiều góc cạnh.” [35]. Thật sự, đến truyện ngắn dài hơn này, Nguyễn Ngọc Tư đã thành công trong nguyên tắc thể hiện nhân vật với những đối lập ngay trong bản thân nó một cách sinh động, đầy cá tính, đầy bất ngờ. “Dữ dội và nhân tình”, những cảnh đời, những phận người hiện lên làm chúng ta ngỡ ngàng và xúc động sâu sắc.

“Chị” – một người đàn bà làm đĩ thản nhiên thừa nhận nghề nghiệp của mình không một chút ngượng ngùng, không một chút mặt cảm. Chị chai lì, lẳng lơ, bộc lộ bản chất không mấy tốt đẹp trong nghề của mình. “Chị sống nhờ những món tiền người đàn ông cắm câu đêm đêm, bằng tiền bán lúa, dừa khô hay những buồng chuối chín, cũng có lúc (…) là vốn vay xóa đói giảm nghèo.” [52; 161]. Chị sống trên mồ hôi nước mắt của người khác, nên “lâu lâu bị đánh cũng đáng đời” và “bị đánh hoài, riết cũng quen.” [52; 161]. Trong thời gian sống với chị em Nương, chị tìm mọi cách để sà vào người cha. Khi ông đưa chị một ít tiền ngay trong bữa cơm, sự khinh miệt và đắc thắng no nê trong mắt, chị cũng thản nhiên nhét tiền vào trong áo ngực, cười: “Trời ơi, ba mấy cưng sộp quá chừng.” [52; 166]. Tuy nhiên, tự sâu thẳm trong con người này vẫn có bóng dáng của người đàn bà “đầy thiên tính nữ”. Trong “chị”, có cả tính chất “điếm đàn” của một người đàn bà hư hỏng, nhưng cũng có cả nét “thiện lương đoan chính” của một người phụ nữ bình thường.

Sau bao nhiêu năm sống cuộc đời nhơ bẩn của một cô gái điếm, “được cứu thoát sau một trận đòn, trong cái lều vịt mà chị tấp vào một cách bất ngờ, chị đã thể hiện những phẩm chất đáng quí của người phụ nữ, của người vợ với hy vọng vào một hạnh phúc mới.” [36]. Chị thấy “thật cảm động khi đời đánh ta tả tơi bầm dập, vậy mà hai đứa nhỏ này lại triều mến, quyến luyến lạ lùng.” [52; 162]. Có những lúc “chị giành nấu cơm. Chị xoắn tay áo lên, hì hụi thổi lửa, đầu tóc xấp xãi dính đầy vảy cá. Trông chị như bà vợ tảo tần. Hình ảnh ấy làm tôi ứa nước mắt.” [52; 165]. Và khi tai họa ập đến, đàn vịt sắp bị thiêu hủy trong dịch cúm gia cầm, chị đã chấp nhận đi với hai gã cán bộ để cứu lấy tài sản cuối cùng, duy nhất của ba cha con người du mục. Một con người như thế cũng có lúc biết hy sinh vì người khác, sống phải đạo, xứng đáng với hai chữ Con Người.

“Chị”, tưởng đã trơ lì trong cuộc sống nhơ nhớp “bán thân nuôi miệng” cũng có lúc biết đau, biết khóc. “Chị về khi trăng rạng rỡ trên đầu (mãi sau này, tôi vẫn còn ghê sợ cái màu trăng ấy) … Chao, tiếng ngáy của cha tôi sao mà đều, sao mà thơ thới. Tôi chực khóc, ngay lúc này đây, dường như chị - đang - chết. Chị lẹ làng lấy tay quệt lên mắt, mảng nước nhòe nhoẹt bên màng tang, bết cả vào mớ tóc mai.” [52; 203]. Kết thúc, chị bỏ đi cũng là một tất yếu theo đúng quan hệ nhân quả trong nguyên tắc tổ chức mâu thuẫn nhân vật. Chị không thể vượt qua được thói quen của lối sống cũ và “người cha” cũng không phải là người bình thường, đáng tin cậy để chị có thể dựa dẫm suốt đời. 

Nhân vật “người cha” là một tính cách hết sức sinh động và phức tạp. Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng thành công nhân vật này theo đúng tính chất đa diện, phức tạp, đầy mâu thuẫn trong bản chất của mỗi con người. Ông vốn dĩ là người lương thiện, rất yêu vợ, thương con, tự nguyện gánh hết trách nhiệm gia đình lên đôi vai của mình. Ông cưng chiều vợ đến nỗi không muốn để bùn dính đến gót chân. Khi nhận được tin “vợ bỏ nhà theo trai”, ông không tin nổi. Người cha “tuột xuống đất, run rẩy” [52; 172]. Không chịu nổi cú sốc khi bị vợ phản bội, ông đốt nhà, dắt con dấn thân vào cuộc sống lang bạt kỳ hồ. 

Ông trở nên hận vợ và hận tất cả đàn bà. Ông chỉ biết trả thù họ qua những cuộc tình chóng vánh và bỏ rơi khi họ không còn lối để quay về. Ông trở thành con người lạnh lùng, tàn nhẫn, vô cảm. Ông say sưa trả thù người vợ cũ bằng cách yêu nhanh, chiếm đoạt nhanh và bội bạc càng nhanh hơn bất kỳ người phụ nữ nào ông gặp trên con đường phiêu bạt mà quên mất hai đưa con, tài sản quí báu nhất, nhân loại bé nhỏ ngay trong khoang thuyền của mình. Người cha buồn mượn rượu và “đánh chị em tôi, thường đánh khi vừa ngủ dậy. Đó là khi người ta thấy hoang hoải, chán chường, sau một giấc dài, mở mắt ra, vẫn gió đìu hiu, vẫn nắng võ vàng trên những cánh đồng hoang lạnh…Tôi đành để cha đánh để ông bớt chút đau lòng. Sau này, chị em tôi không day dứt chi cho mệt, vì hiểu thấu ra, mình bị đòn chỉ vì là con của má, vậy thôi.” [52; 176].

Ta thấy “người cha” ấy sao mà ác quá, tàn nhẫn quá! Nhưng lắng lại một chút mới cảm nhận được cái hả hê, độc ác ấy đầm đìa nước mắt chảy ngược vào trong của con người có bộ mặt lạnh lùng tàn nhẫn. Chính nhân vật xưng “tôi” cũng cảm thấy bất lực trước sự tàn nhẫn đó không phải vì chỉ là một đứa trẻ mà vì đứa trẻ ấy đã chứng kiến nỗi đau mà “người cha” phải trải qua. “Chị em tôi đắng đót nhìn cha (…) Xanh xao, lạnh lẽo đến ngơ ngác và cô đơn.” [52; 189]. Có lúc, vứt bỏ một người phụ nữ, ông cười, “Chị em chúng tôi mãi mãi không quên cái cười đó, nó vừa dữ dội, đau đớn, hoang dã, cay đắng, nghiệt ngã. Cái cười thật dài, riết lấy khuôn mặt cha, làm mắt cha hơi lồi ra, ánh lên như có nước.” [52; 186]. Ta có cảm giác ẩn sâu trong cái vỏ bọc lạnh lùng, vô cảm, tàn nhẫn ấy vẫn là một con người. Đó là tinh thần nhân đạo trong nguyên tắc thể hiện nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư. Cô đã đi vào những miền khuất lấp để phát hiện ra phẩm chất tốt đẹp của con người. Bên trong người đàn ông ấy có biết bao nhiêu nỗi niềm không dễ gì san sẻ, bộc lộ. Con người ấy vừa đáng giận, vừa đáng thương.

Sống trong cõi hận, nhưng cũng có lúc bản chất tốt đẹp của người cha vốn dĩ hiền lành trỗi dậy trong ông: giật mình khi nghe Điền bị trôi sông; quan tâm và cố gắng trò chuyện với đứa con gái; mua nhẫn cưới cho con; xót xa khi nhận ra sự “quái dị, khác thường” của đứa con gái vì phải trải qua cuộc sống thiếu thốn tình người, phải đối mặt với bao nghiệt ngã, đắng cay của số phận. Và đặc biệt, cái tình của người cha được bộc lộ trong cái hớt hải, vùng vẫy, tìm cách bảo vệ con và nỗi đau đớn tột cùng khi chứng kiến con gái mình bị hãm hiếp. “Mắt cha tôi ầng ậc nước, tôi không rõ là phèn hay máu nhoèn nhoẹt.” [52; 212]. Và tôi xúc động đến rơi nước mắt khi “Người cha cởi áo trên người để đắp lên đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới mặt trời.” [52; 212]. Cảm giác như có cái gì đó vỡ tung ra, là tình yêu thương hay nỗi uất ức xót xa…? 

Nguyễn Ngọc Tư đã nhìn rất sâu vào những mâu thuẫn trong tính cách của con người. Trong phương thức thể hiện nhân vật, chị đã hướng ngòi bút vào tâm trạng, xoáy sâu vào sự đối lập giữa những biểu hiện bên ngoài và phẩm chất thiện lương bên trong của nhân vật. Từ đó mà phát hiện ra những vẻ đẹp đáng quí trong tâm hồn con người. Đó là sự bao dung trong cách nhìn đời, nhìn người; trong nguyên tắc thể hiện nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư.

Khi xây dựng kiểu nhân vật này, Nguyễn Ngọc Tư đã đặt nhân vật vào những tình huống gay cấn, khó xử để nhân vật bộc lộ phần sâu nhất, thật nhất trong tính cách của mình. Từ đó mà chúng ta nhận ra những phẩm chất tốt đẹp tiềm ẩn trong con người họ. Những lúc bình thường, có thể nó bị giấu đi dưới lớp vỏ ngoài lạnh lùng, vô cảm thậm chí tàn nhẫn, xấu xa. Khi anh chàng Kiên chạm vào vùng ký ức “ngủ yên và chìm lặng” của Miên, cô rơi nước mắt (Cỏ xanh). Khi dì Thấm “quay quắt đau thương” đối diện với quá khứ, người ta mới thấy hết sự đau xót và lòng yêu thương của ông Mười (Mối tình năm cũ). Khi đứng trước tai họa của ba cha con người du mục, “chị” mới bộc lộ bản chất lương thiện và lòng hy sinh của một người phụ nữ. Và khi chứng kiến đứa con gái bị hãm hiếp, người đàn ông mới thực sự trở về với tình cảm cố hữu của một người cha (Cánh đồng bất tận). Nguyễn Ngọc Tư đã tạo tình huống có vấn đề và đặt nhân vật vào trong tình huống ấy để khắc họa tính cách và chiều sâu nội tâm của nhân vật. Đó là một trong những cách thức thể hiện con người trong tác phẩm của chị. 

4. Cấu trúc đối lập trong hình tượng nhân vật xuất phát từ quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Ngọc Tư

Nguyễn Ngọc Tư có một trái tim nhạy cảm, biết rung động cùng với cảnh vật và con người xung quanh. Cô còn có khả năng thấu hiểu tâm trạng của người khác. Trong cái nhìn về cuộc đời và con người, Nguyễn Ngọc Tư rất chú ý đến nội tâm, đến những điều ẩn giấu bên trong, những vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi tâm hồn. Phải đi vào chiều sâu nội tâm mới thấy hết vẻ đẹp của con người.

Hiểu con người từ nội tâm thể hiện một cái nhìn sâu sắc, một tấm lòng khoan dung, độ lượng, một quan niệm nghệ thuật hết sức nhân bản. Chính vì cách nghĩ, cách cảm như thế mà trong nguyên tắc thể hiện con người, Nguyễn Ngọc Tư thường tập trung miêu tả tâm lí, khắc họa tâm trạng nhân vật. Nhà văn nhìn con người từ điểm nhìn bên trong, xây dựng nhân vật từ phương diện tâm lí. Chị đã tìm kiếm, phát hiện những phẩm chất tốt đẹp trong mỗi con người từ chiều sâu tâm hồn. Đây là giá trị nhân bản hết sức đáng quí trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.


Từ quan niệm nghệ thuật về “con người bên trong”, “con người tâm lí”, Nguyễn Ngọc Tư quan tâm chủ yếu đến thế giới tinh thần của nhân vật. Cô đi sâu thể hiện thế giới nội tâm và coi đó là một đối tượng để miêu tả con người. Tâm hồn con người là một “tiểu vương quốc” đầy bí mật, trong đó có bao điều kì diệu mà người ta không biểu hiện ra bên ngoài. Nhiều khi bên trong cái vỏ bọc xù xì kia là những phẩm chất tốt đẹp, là một trái tim biết yêu thương.

Với Nguyễn Ngọc Tư, cuộc hành trình đi vào khám phá thế gới nội tâm của con người luôn chứa nhiều điều thú vị. Ngòi bút của chị cứ lặng lẽ mà đi sâu vào phơi mở những nỗi niềm giấu kín trong tâm hồn nhân vật. Một cô gái trẻ lấy chồng hoài niệm về mối tình đầu (Huệ lấy chồng); một chàng trai phải hy sinh, giấu đi tình cảm của mình để anh trai được hạnh phúc (Nhà cổ); một cô học trò ôm mối tình câm với thầy giáo mà cũng là bố dượng của mình (Nước chảy mây trôi); một cô gái lái xe yêu ông chủ đào hoa, thành đạt mà bên ngoài vẫn dửng dưng (Tình thầm); người con trai cố nén tình cảm, giấu nỗi đau trong sâu thẳm lòng mình để người yêu yên tâm đi lấy chồng (Hiu hiu gió bấc),… Tất cả những tâm trạng, những nỗi niềm sâu kín ấy đều được Nguyễn Ngọc Tư thấu hiểu và miêu tả một cách tinh tế. Từ đó, nhà văn đã khám phá ra những vẻ đẹp bên trong tâm hồn con người. 

Trong nhiều trường hợp, khả năng miêu tả tâm lí con người của Nguyễn Ngọc Tư tỏ ra khá sắc sảo. Những chi tiết chắt lọc kèm với những phân tích, nhận xét ngắn gọn đủ cho người đọc nhận diện tâm lí, tính cách của từng con người. Qua ngòi bút của chị, tâm lí con người được thể hiện một cách phong phú, đa dạng với nhiều sắc thái tinh vi. Nguyễn Ngọc Tư còn phát hiện ra những trạng thái, những phản ứng tâm lí trái ngược nhau trong thế giới tinh thần của con người. Nhà văn quan niệm: con người có sự mâu thuẫn trong tính cách, có sự đối lập giữa bên ngoài và bên trong. Đừng vội đánh giá người ta qua những biểu hiện bên ngoài. Hãy tìm mà hiểu, hãy lắng lại mà cảm nhận, chúng ta sẽ thấy trong sâu thẳm tâm hồn họ có những vẻ đẹp không ngờ. 

Nguyễn Ngọc Tư nhìn con người từ phương diện tâm lí, yêu con người từ chiều sâu nội tâm; chị đã tìm kiếm và phát hiện những vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn con người. Quan niệm nghệ thuật của nhà văn thể hiện một niềm tin sâu sắc vào bản chất lương thiện, tốt đẹp của con người. Khi người ta va chạm với cuội đời, rơi vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, chịu những cú sốc tâm lí nặng nề, họ trở nên tàn nhẫn, lạnh lùng, thậm chí còn xấu xa, độc ác. Thế nhưng, với cái nhìn con người sâu sắc và nhân đạo, Nguyễn Ngọc Tư đã thấy trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn cháy lên ngọn lửa của tình yêu thương, vẫn ẩn khuất đâu đó nét đẹp của đạo lí làm người. Ở truyện Cánh đồng bất tận, người cha đi mãi trong cuộc hành trình rửa hận cũng có lúc biết đau, biết xót cho số phận của con mình. Tình yêu thương sống dậy trong lòng người cha làm cho câu chuyện có lối thoát. Một người đàn bà làm đĩ, trơ tráo, không biết xấu hổ trước cái nghề nhơ nhớp của mình cũng có những tình yêu thương đầy nữ tính, cũng biết hy sinh để bảo vệ nguồn sống của ba cha con người du mục, trả ơn cho hai đứa trẻ đã cưu mang mình. Sống có trước có sau, âu cũng là đạo lí làm người vậy! Và bắt đầu hiểu con người từ chiều sâu nội tâm cũng là một “đạo lí” trong quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Ngọc Tư.

Vẻ đẹp đích thực nhiều khi bị che lấp bởi cái vỏ bề ngoài lạnh lùng vô cảm của con người. Phải hiểu từng cung bậc cảm xúc, lắng nghe những rung động nhỏ nhất của tâm hồn mới thấy được những cái đẹp tiềm ẩn trong cuộc sống, trong mỗi con người. Có những tấm lòng giấu kín như hạt ngọc vùi sâu trong cát, càng khó tìm càng đáng nâng niu khi phát hiện ra.

Nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư ít được chú trọng miêu tả về ngoại hình, hành động mà chủ yếu được xây dựng như những bức “chân dung tâm trạng”. Người đọc có thể soi chiếu vào đó mà nhận ra tính cách của mỗi nhân vật. Chính vì thế mà tác giả Minh Thi gọi nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư là “những bộ mặt của tâm trạng” [33]. Với quan niệm nghệ thuật con người đẹp từ chiều sâu nội tâm, Nguyễn Ngọc Tư đã dụng công khắc họa những diễn biến tâm lí nhân vật, để qua đó ta có thể nhận ra cái Chân – Thiện – Mỹ trong bản chất của mỗi con người. Quan trọng hơn, Nguyễn Ngọc Tư đã chuyển tải được nhiều thông điệp nghệ thuật sâu sắc qua những bức tranh nội tâm ấy.

Cuộc sống đầy phức tạp và con người vốn không đơn giản. Trong tính cách của mỗi cá nhân có cả tốt – xấu, cao thượng – thấp hèn, nhân hậu – độc ác, vị tha – ích kỉ. Mỗi cuộc đời, mỗi số phận đều mang những uẩn khúc riêng. Cần lắm một cái nhìn sâu sắc, nhân hậu, bao dung để nhận ra, để hiểu những điều ấy. Thật đáng quí biết bao tấm lòng và ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư đã làm được điều tuyệt vời đó. Cô đã hiểu, đã tin và yêu con người đến mức nào! Tình yêu ấy đã được mang vào tác phẩm văn chương và truyền đến cho chúng ta.

5. Kết luận

Cấu trúc đối lập trong hình tượng nhân vật là kết quả của nguyên tắc thể hiện con người có sự đối lập giữa hành động bên ngoài và tình cảm bên trong. Nhà văn đã hướng ngòi bút vào thế giới nội tâm của nhân vật để khám phá những phẩm chất tốt đẹp ẩn sau cái vẻ ngoài lạnh lùng vô cảm. Đôi khi, sự đối lập ấy không phải là tự nhiên, không phải là mâu thuẫn vốn có trong tính cách mà vì người ta phải giấu đi tình cảm của mình để hy sinh cho người khác. Huệ giấu đi nỗi lòng mình cho Thi bớt đau, bớt áy náy (Huệ lấy chồng); Phi cố giữ vẻ mặt tươi tỉnh, bình thản để đưa người yêu “sang sông” (Lý con sáo sang sông); anh Hết giấu đi bao nhiêu tình cảm, bao nỗi lòng thương nhớ để chị Hoài yên tâm đi lấy chồng (Hiu hiu gió bấc),…

Có nhiều trường hợp, sự đối lập ấy là mâu thuẫn vốn có trong tính cách, trong bản thân mỗi người. Khi đối mặt với hoàn cảnh nghiệt ngã, con người trở nên tàn nhẫn, lạnh lùng, thậm chí xấu xa, độc ác; nhưng tận sâu thẳm tâm hồn vẫn có những phẩm chất tốt đẹp, những tình cảm hết sức nhân văn. Người cha mang đầy thù hận, sống hằn học nhưng vẫn biết thương con; một người đàn bà làm đĩ cũng có lúc sống “phải đạo”, mang trong mình những nét thiện lương, đoan chính (Cánh đồng bất tận). Con người lạnh lùng, ít nói, tưởng như ích kỉ, hẹp hòi lại mang một tấm lòng yêu thương, vị tha cao cả như ông Mười trong Mối tình năm cũ. Nguyễn Ngọc Tư đã đi vào những miền khuất lấp để phát hiện ra phẩm chất tốt đẹp của con người. Và đó là sự bao dung trong nguyên tắc thể hiện con người của chị.

Nguyễn Thị Hồng Khánh
Lớp Cao học Văn học Việt Nam K18
Nguồn: Kỷ yếu nghiên cứu khoa học Ngữ văn 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét