Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

KẾT CẤU CỦA THỂ LOẠI NGÂM KHÚC



1      1. Kết cấu
1.1.         Khái niệm kết cấu

          Kết cấu có nghĩa là “thắt buộc lại với nhau, là xây đắp, gây dựng”. Trên ý nghĩa đó kết cấu đã trở thành một thuật ngữ chuyên môn của ngành kiến trúc, hội hoạ. Trong lĩnh vực văn chương, khi nói đến xây dựng tác phẩm, xây dựng nhân vật, xây dựng cốt truyện, xây dựng cấu tứ trong thơ thì người ta đã xem xét tác phẩm văn học như một công trình kiến trúc. Vì vậy, từ một thuật ngữ vay mượn của chuyên nghành khác, kết cấu đã trở thành thuật ngữ của văn học.

Kết cấu tác phẩm văn học là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm được nhà văn sắp xếp, tổ chức theo một trật tự, hệ thống nào đó nhằm biểu hiện một nội dung nghệ thuật nhất định. Kết cấu là yếu tố tất yếu của mọi tác phẩm. Nếu khái niệm cốt truyện nhằm chỉ sự liên kết những sự kiện, hành động, biến cố... trong tác phẩm tự sự và kịch thì kết cấu là một khái niệm rộng hơn nhiều. Cần phân biệt bố cục và kết cấu của tác phẩm. Thuật ngữ bố cục nhằm chỉ sự sắp xếp, phân bố các chương đoạn, các bộ phận của tác phẩm theo một trình tự nhất định. Thuật ngữ kết cấu thể hiện một nội dung rộng rãi phức tạp hơn. Tổ chức tác phẩm không chỉ giới hạn ở sự tiếp nối bề mặt, ở những tương quan bên ngoài giữa các bộ phận, chương đoạn mà còn bao hàm sự liên kết bên trong, nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của tác phẩm. Bố cục là một phương diện của kết cấu.

1.2.         Chức năng của kết cấu

          Trước hết, kết cấu có nhiệm vụ góp phần thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Trong lao động sáng tạo văn học, có thể coi chủ đề tư tưởng là mục tiêu nhằm hướng tới của nhà văn trong quá trình phát hiện và xây dựng kết cấu.

          Ngoài ra, kết cấu còn có nhiệm vụ tổ chức hệ thống các tính cách nhân vật, sự kiện, các biến cố, hình ảnh, cảm xúc... làm cho những yếu tố đó gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại ngay từ bên trong tác phẩm, triển khai, tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả; tạo ra tính toàn vẹn của tác phẩm như là một hiện tượng thẩm mĩ.

Trong đời sống văn học, đôi khi có người cho rằng một số tác phẩm có chủ đề tư tưởng tốt nhưng tác phẩm vẫn chưa được cảm nhận như một chỉnh thể nghệ thuật. Ðiều này có thể do nhiều nguyên nhân nhưng một phần quan trọng là do kết cấu.

1.3.         Một số hình thức kết cấu trong tác phẩm văn học

          Những hình thức kết cấu trong tác phẩm văn học rất phong phú và đa dạng. Nó có thể chịu sự qui định của thể loại (kết cấu tác phẩm tự sự và kịch với kết cấu tác phẩm trữ tình) của từng giai đoạn lịch sử khác nhau (có những hình thức kết cấu chỉ tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nhưng sau đó lại bị loại bỏ hoặc ít sử dụng và thay vào đó là một kết cấu mới phù hợp với giai đoạn lịch sử mới)... Vì vậy, khó có thể xác định những hình thức kết cấu nếu thoát li thực tế sáng tác. Tuy nhiên, ở đây có thể tìm hiểu một số hình thức kết cấu đã từng xuất hiện trong lịch sử văn học và đã tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị:

-         Kết cấu theo trình tự thời gian.
-         Kết cấu theo hai tuyến nhân vật đối lập.
-         Kết cấu đa tuyến.
-         Kết cấu tâm lí.

Có thể nói đến nhiều hình thức kết cấu khác nhau và nhà văn khi xây dựng tác phẩm, lựa chọn kết cấu nào bao giờ cũng nhằm nâng cao sức biểu hiện của chủ đề tư tưởng, tăng cường sức tác động thẩm mĩ của tác phẩm đối với người đọc. Các hình thức kết cấu dù phong phú và đa dạng cũng chỉ là hữu hạn trong khi thực tế sáng tác thì vô hạn. Trong từng tác phẩm, nhà văn có thể vận dụng nhiều hình thức kết cấu khác nhau với sự sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy, không thể qui những tác phẩm cụ thể vào một dạng kết cấu riêng biệt nào mà cần phải xem xét tác động nghệ thuật của kết cấu đối với người đọc cũng như chức năng cụ thể của nó trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm

2  2.  Kết cấu của thể loại ngâm khúc

So với các thể loại khác, ngâm khúc có một kiểu kết cấu riêng và nhìn chung các tác phẩm ngâm khúc đều có một kết cấu giống nhau. Tác phẩm ngâm khúc chỉ có duy nhất một chủ thể trữ tình tự bạch tâm trạng mình, tự phô diễn dòng ý thức đang vận động trong tâm tư để dẫn đến một sự cảm nhận mới về cuộc sống. Các nhân vật trữ tình đều từ không gian thực tại vắng vẻ và tù túng bộc lộ tâm trạng đau buồn, cô đơn của mình. Tâm trạng cô đơn, đau buồn của nhân vật có thể đã diễn ra trong nhiều thời gian nhưng thường là từ quá khứ trở về hiện tại, rồi từ hiện tại mơ ước đến tương lai, đôi khi theo chiều ngược lại, hoặc đồng hiện trong dòng nội tâm nhân vật. Quá khứ thường gắn với hạnh phúc, hiện tại đi cùng khổ đau, còn tương lai chỉ là mộng ước mong manh, xa vời.
Có thể nói, kết cấu chủ đạo của thể loại ngâm khúc là kết cấu theo ba chiều thời gian mang tính đồng hiện.

 




Khảo sát một tác phẩm tiêu biểu là Chinh phụ ngâm ta có thể thấy, toàn bộ khúc ngâm là sự giãi bày cảm xúc của người vợ có chồng đi lính xa nhà. Tác phẩm mở đầu với khung cảnh của chiến tranh ác liệt và nhà vua truyền hịch kêu gọi mọi người tham gia chiến cuộc. Trong bối cảnh này, nàng chinh phụ hình dung cảnh chồng nàng lên đường phò vua giúp nước, ra đi với quyết tâm giành hàng loạt thành trì dâng vua, hùng dũng trong chiếc chiến bào thắm đỏ và cưỡi con ngựa sắc trắng như tuyết. Cuộc tiễn đưa lưu luyến kết thúc, người chinh phụ trở về khuê phòng và tưởng tượng ra cảnh sống của chồng nơi chiến địa. Trong phần tiếp theo, câu chuyện chủ yếu diễn tả tâm trạng trăn trở, cô quạnh của người chinh phụ. Cuối cùng, chán chường và tuyệt vọng, người chinh phụ đã không còn muốn làm việc, biếng lơi trang điểm, ngày đêm khẩn cầu mong được sống hạnh phúc cùng chồng. Kết thúc khúc ngâm, người chinh phụ hình dung ngày chồng nàng chiến thắng trở về giữa bóng cờ và tiếng hát khải hoàn, được nhà vua ban thưởng và cùng nàng sống hạnh phúc trong thanh bình, yên ả. Người chinh phụ nhận ra rằng hạnh phúc không nằm trong công danh mà là ở trong cuộc sống của chính mình.

          Khảo sát một số tác phẩm khác như Ai tư vãn, Bần nữ thán… cho thấy, tất cả đều có chung một kiểu kết cấu giống nhau và phụ thuộc vào nhãn quan của chủ thể trữ tình. Tác phẩm nào cũng bắt đầu bằng việc thể hiện tâm trạng của chủ thể trong thời hiện tại. Tâm trạng đó được nảy sinh sau những biến cố nào đấy, thường là bất lợi cho nhân vật mà gây nên những cảm xúc buồn đau. Trong Ai tư vãn, tám câu mở đầu của bài văn – và rộng hơn, của loại hình văn tưởng niệm nói chung – giới thiệu những ý tưởng chung nhất về hiện trạng về nỗi đau mất mát, biệt li. Trong 24 câu tiếp theo Ngọc Hân tái hiện hình ảnh con người, cuộc đời và đức độ của Nguyễn Huệ. Điểm độc đáo và cũng là một sự hợp đương nhiên là ở đây hình ảnh Nguyễn Huệ hiện lên không chỉ với tư cách người anh hùng mà trước hết, trên hết là những mối quan hệ cụ thể, riêng tư, là tình vợ chồng. Đó là quan hệ tình cảm khi thanh thản chung vui hạnh phúc, khi phải lo toan những điều thường nhật, những điều bình thường như với bất cứ một đôi vợ chồng nào khác.

Tất nhiên, kết cấu của thơ trữ tình nói chung là cũng sự tổ chức, triển khai tứ thơ để thể hiện dòng tâm trạng ấy. Tuy nhiên, tâm trạng của chủ thể trữ tình trong ngâm khúc không giống với các áng thơ truyền thống khác. Đây không phải là những tâm trạng bộc lộ qua những cảm xúc nhất thời, thoáng qua mà là tâm trạng của con người mang một mối suy tư và những vấn đề hết sức trọng đại của cuộc sống nhân sinh – vấn đề số phận con người và hạnh phúc của nó. Ở thế kỷ XVIII, các khúc ngâm chủ yếu viết về tâm trạng bi kịch của người phụ nữ như người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm hay người cung nữ trong Cung oán ngâm... thì hai tác phẩm Thu dạ lữ hoài ngâm và Tự tình khúc lại viết về tâm trạng bi kịch của người đàn ông phải chịu nhiều nỗi oan khuất do những thiết chế và hình luật hà khắc của chế độ phong kiến gây nên. Như thế, có thể nói đây là những tiếng nói mang giá trị nhân văn mới gắn với việc đòi quyền sống chính đáng cho những con người vô tội. 

Từ những đau buồn vì những đổ vỡ, mất mát trong hiện tại, chủ thể trữ tình sẽ liên tưởng về quá khứ, phần nhiều là quá khứ gần. Trở về với quá khứ thì họ đều nhận ra rằng tất cả những hạnh phúc ngày xưa đều đã đổ vỡ không thể nào cứu vãn. Trong bế tắc, tuyệt vọng, họ mơ về tương lai nhưng tương lai lại rất hão huyền, mong manh. Quá khứ hạnh phúc, rự rỡ bao nhiêu thì hiện tại đau khổ, bi kịch bấy nhiêu. Ví dụ như trong Tự tình khúc, tác giả chủ ý biện hộ cho mình trước “tội lỗi” (theo quan điểm nhà Nguyễn) mà chú ông là Cao Bá Quát đã gây ra (cầm đầu cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương) và xin triều đình ân xá. Dù chịu nhiều khổ sở, nhục nhã, buồn tủi đau đớn vì bị oan ức, nhưng tác giả vẫn cố gắng giữ lòng ngay thẳng và luôn nhớ đến cha mẹ, vợ con cùng quê nhà. Kết thúc khúc ngâm, tác giả vẫn tin tưởng vào đạo lý thánh hiền, hy vọng vào công lý của Trời và phúc đức của nhà mình. Người ta gọi cảm xúc của nhân vật trong hiện tại là những cảm xúc hồi cố, bi ai. Tất cả những sự so sánh đó đều nhằm xoáy sâu vào bi kịch của nhân vật ở hiện tại.

Hình thức kết cấu theo dòng tâm trạng này phục vụ rất đắc lực cho việc thể hiện chủ đề của tác phẩm, vấn đề số phận con người và hạnh phúc của họ. Con người ngâm khúc nhận thức được rằng hạnh phúc là có thực nhưng chỉ tồn tại trong quá khứ, hiện tại đã mất và tương lai thì mờ mịt. Mỗi tác phẩm mở đầu bằng một lời than và kết thúc cũng bằng một lời than nó tạo nên một nỗi ám ảnh khôn nguôi.


Trần Đình Sử cho rằng: ngâm khúc là một thể loại văn học trung đại ViệtNam. Tinh thần bi kịch thể hiện ở chỗ tìm lại giá trị nhân sinh mà không được, không cam chịu mất mát giá trị mà đành bất lực và do bất lực mà lòng bất lực càng mạnh thêm, day dứt hơn, [187; 9] và nhấn mạnh chức năng của thể loại này như sau: “Có thể nói khúc ngâm có nhiệm vụ phơi trải lòng đau xót, sầu tủi, tiếc hận của mình” [10; 185].

Nhóm học viên
Trương Thị Mai Hương - Trần Thị Ngọc Lê



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét