Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

THẾ GIỚI TÂM LINH TRONG SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN DU


I. Một số vấn đề lý luận chung
1. Khái niệm văn hóa 
Có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Từ văn hóa trong Chu Dịch được tách thành hai từ văn và hóa. Nghĩa gốc của từ văn là vẻ đẹp do màu sắc tạo ra. Văn là hình thức đẹp đẽ trong lễ nhạc, trong cai trị, trong ngôn ngữ, trong cách cư xử,…

Đến thời Tây Hán, Lưu Hướng đã sử dụng từ văn hóa sớm nhất, văn hóa được hiểu như một thức giáo hóa con người. “Dùng văn hóa không thay đổi được sẽ chinh phạt”. Về sau, văn hóa được hiểu như một phương thức để xây dựng cuộc sống.
Trong giáo trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, Trần Ngọc Thêm đã định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn hóa là một hệ thống hữu có các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”. 


Tóm lại, Văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội.

2. Khái niệm tâm linh

Tâm linh bao gồm chữ “tâm’ và chữ “linh” tạo nên. Theo từ điển Hán Việt của Thiền Chửu, “tâm” có nghĩa là tim, thuộc về thế giới bên trong . “linh” có rất nhiều nét nghĩa như “linh” trong linh hoạt, nhạy bén; “linh” trong thần linh; người chết cũng được gọi là “linh”; “linh” còn được dùng để nói đến những ứng nghiệm, bói toán.

Theo từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, tâm linh được hiểu theo hai nghĩa: Thứ nhất tâm linh là khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra với mình, theo quan niệm duy tâm. Thứ hai, được dùng theo nghĩa tâm hồn, tinh thần.

Theo quan niệm của Nguyễn Đăng Duy thì: “Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong đời sống, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái thiêng liêng, cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được ngưng đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm”.

Như vậy, có thể hiểu tâm linh là niềm tin của con người vào sự linh thiêng, tâm linh gắn liền với ý thức cả con người. Tâm linh bắt nguồn từ niềm tin của con người. Đó là niềm tin thiêng liêng về tổ tiên, niềm tin về Mẫu, Phật, Chúa, niềm tin về các thần thành hoàng,…

        Nói đến khái niệm tâm linh, cần phải đặt trong sự tương quan với các khái niệm khác.: tâm linh với tín ngưỡng – tôn giáo. Tín ngưỡng và tôn giáo không đồng nhất với nhau. Tín ngưỡng và tôn giáo đều có chung niềm tin thiêng liêng nhưng tín ngưỡng không có giáo chủ, giáo lý, giáo hội cụ thể, không phải là nơi giảng kinh thuyết pháp mà chỉ là nơi thề tự, cúng tế, hội hè, thường được tổ chức ở đền, đình, miếu,…Ở tín ngưỡng, con người ta thấy mội vật đều linh thiêng, tập trung giải quyết mối quan hệ giữa vcon người với tự nhiên. Tín ngưỡng gắn kết mọi người với nhau, cùng hướng con người tới sự thịnh vượng của cuộc sống. Tức tín ngưỡng đồng nghĩa với tâm linh còn tôn giáo không hoàn toàn là tâm linh mà chỉ là dạng đặc biệt của tâm linh.

        Qua đây, chúng ta cần phân biệt giữa tâm linh và mê tín dị đoạn. Mê tín dị đoan là “những ý thức, hành vi mê muội, tin dựa vào những biểu tượng trái lẽ tự nhiên, có những hành vi lễ bái, ứng xử mang tính chất cuồng tín, nhảm nhí, trái với lẽ phải và hành vi thông thường của mọi người xung quanh, làm hại đến đời sống vât chất và tinh thần của mọi người”. Tâm linh không phải là mê tín dị đoan, tâm linh là niềm tin linh thiêng trong đời sống tinh thần của con người tin vào tổ tiên, thần thánh, phạt, chúa,… hay những người không đi tu mà vẫn đi chìa, đền, đình, vẫn ăn chay, lễ Phật. Niềm tin ấy đánh thức tâm hồn con người để sống và làm việc tôt hơn xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của cha ông. Còn mê tín dị đoan là tin một cách mê muội, làm hao tốn tiền bạc, có khi thiệt hại cả tính mạng.

3. Khái niệm văn hóa tâm linh

Văn hóa tâm linh là thuật ngữ được hiện diện trên văn đàn vào khoảng mười lăm năm gần đây, nhất là sau khi một số nhà nhân học, tâm lí học, khoa học xã hội quốc tế thừa nhận yếu tố tâm linh, một trong bốn thuộc tính của con người (con người xã hội, con người sinh học, con người tâm lí, con người tâm linh). Tâm linh có hai nghĩa: khả năng đoán biết một biến cố sẽ xẩy ra; tinh - khí - thần của người. Từ đó trở đi, một câu hỏi tưởng chừng như ẩn số: “Con người là một bí ẩn” mà nhiều nhà tư tưởng lớn đặt ra ở thế kỷ XIX, được triết học văn hóa giải mã khi nghiên cứu con người: cái tự nhiên và cái phi tự nhiên, lý trí và tình cảm, trí tuệ và bản năng, lý tưởng và tính dục, cái thiêng và cái tục, nhân vị và siêu nhân v.v… Như vậy, khi ghép tâm linh vào văn hóa, thì khái niệm văn hóa tâm linh là hình thái văn hóa của một tộc người gồm: tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian (folklore) và một phần của sáng tạo khoa học, nghệ thuật như sự thăng hoa, phút xuất thần, “tia chớp” cảm hứng sáng tạo, trí tuệ phát sáng của nhà khoa học và nghệ sĩ.

Theo Nguyễn Đăng Duy: “Văn hóa tâm linh là văn hóa biểu hiện những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống đời thường và biểu hiện những giá trị thiêng liêng cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo”. Văn hóa tâm linh không chỉ bao gồm giá trị văn hóa vô hình mà cả những văn hóa hữu hình. Văn hóa tâm linh là sợi dây liên kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân ái và tinh thần hướng thiện, góp phần tạo nên chiều sâu sức sống cho nền văn hóa dân tộc.
Văn hóa tâm linh có những đặc điểm sau:

Tính thiêng: “Có thể coi tâm linh là một khái niệm tâm lý nói lên sự gắn kết ba phạm trù thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai. Chỉ ở con người mới có các phạm trù thời gian và sự gắn kết chúng lại với nhau”. Có linh hồn hay do thần giao cách cảm hoặc các luồng điện hiện lên trong trường sinh học? Hay chỉ là chuyện người đang sống hướng tất cả tinh thần, khí chất, tình cảm về người đã khuất!? Đây là đề tài đòi hỏi sự nghiên cứu công phu của nhiều ngành khoa học. Có điều, việc hướng về cội nguồn, biết ơn người đã khuất, tri ân công trạng của các bậc tiên hiền, tôn vinh những danh nhân có công với nước, với dân là một phong tục đẹp ở nước ta. 


Tính hoà giải: Giáo lý của các tôn giáo lớn ở nước ta có một đặc điểm chung là tính hoà giải. Ba tôn giáo là Phật giáo, Thiên chúa giáo, Đạo giáo được du nhập từ nước ngoài, nhưng khi vào nước ta đều được bản địa hoá, dân gian hoá, phong tục hoá để dễ bề truyền bá. Giáo lý của ba tôn giáo cũng có nhiều điểm rất khác nhau, có những tri thức rất cao siêu, suy lý tư biện, thậm chí huyền bí, nhưng ở cả ba đều mang tính nhân văn, lấy con người làm trung tâm: yêu con người, cầu mong xã hội thái bình, quốc thái dân an, mở rộng lòng bác ái công bằng, từ bi, hỷ xả, triết lý sống gắn với thiên nhiên v.v… 


          II. Thế giới tâm linh trong sáng tác của Nguyễn Du
1.     Lễ hội

Hội là những cuộc chơi. Chúng ta có tết Nguyên Đán ngày đầu năm mới, tết Thượng nguyên 15 tháng giêng, tết Trung Nguyên, tết Thanh Minh, tết Đoan Ngọ, tết Trung Thu,….Đây là những dịp để mọi người nhất là nam thanh nữ tú gặp gỡ, trò chuyện, kết bạn, vui chơi. Còn lễ cũng đi kèm với hội  dưới hình thức cúng bái với thần thánh, tiên, phật, hoặc người cõi âm như lễ rước  thần Lúa, lễ cầu mưa, nghi lễ phồn thực, lễ tảo mộ. Nguyễn Du đã đưa những lễ hội tuyền thống của dân tộc vào trong sáng tác của mình.
Trước hết đó là tiết thanh minh và hội đạp thanh. Lễ tảo mộ trong tiết thanh minh vào tháng ba âm lịch là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa Việt. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đẫ đề cập đến vấn đề này: “Thanh minh trong tiết tháng ba./ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Khi đi tảo mộ, ta sẽ thấy hai trường hợp xảy ra, một là với những nấm mồ có được người thân cúng viếng, sửa sang thì ngôi mộ sẽ sạch sẽ, ấm áp; còn với những mộ vô chủ thì cỏ mọc um tùm, hương khói lạnh tàn. Thúy Kiều khi đi qua nấm mộ của Đạm Tiên đã phải thốt lên rằng: “Rằng:sao trong tiết thanh minh/ Mà sao hương khói vắng tanh thế này?”.

Sau lễ là hội, đây là dịp để mọi người giao lưu , gặp gỡ, nhất là với những nam thanh nữ tú. Mọi người đều háo hức, chờ đợi: “Gần xa nô nức yến anh/ Chị em sắm sửa bộ hình chơi xuân,/ Dập dìu tài tử văn nhân,/ Ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Đây cũng là nơi mà Thúy Kiều đã gặp chàng Kim. Trong hội sẽ có những trò chơi đòi hỏi sự tham gia của mọi người  như tục đố là. Đây là trò chơi dân gian, các chàng trai, cô gái sẽ bẻ một nhành cây rồi đó xem số là chẵn hay lẻ mà đoán vận may rủi.    

          Thứ hai là rằm tháng bảy, còn gọi đó là tháng cô hồn. Đây là dịp để con cái báo hiếu với cha mẹ, cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu. Nguyễn Du đã mời các cô hồn đến dự lễ cầu siêu trong “Văn chiêu hồn”. Không cần biết họ là ai? Người thế nào? chỉ biết đó là những hồn oan của những người đã mất, hồn không nơi nương tựa, đói ăn, đói mặc.

2. Cõi âm, hồn ma

Cõi âm còn gọi là nơi chín suối, chốn cửu tuyền, thế giới bên kia,..Nguyễn Du hình dung ra đó là một nơi hết sức đen tối với những hồn ma không đầu và có đầu  nheo nhúc, ngẩn ngơ, xiêu dạt, không nơi nương tựa: “Lòng nào chẳng thiết tha, cõi dương còn thế nữa là cõi âm” ; “Trong trường dạ tối tăm trời đất/ Có khôn thiêng phảng phất u minh,/ Thương thay thập loại chúng sinh,/ Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.”

Trong “Văn chiêu hồn”, tồn tại rất nhiều hồn ma, đó là những hôn ma bơ vơ, cô đơn, lẻ loi: “Hồn mồ côi lẫn lửa đem đen”, “Hồn đơn phách chiếc”, “Cô hồn thất thểu dọc ngang”,…..
Nguyễn Du còn thường xuyên trò chuyện với người đã chết, tức người đang nằm dưới mộ Người nằm dưới mộ có đủ mọi loại người, Nguyễn Du hầu như quan tâm đến tất cả.  Có thể kể ra đâu những hồn ma được Nguyễn Du nhớ đến sau đây:

- Người phụ nữ: đó là nàng Tiểu Thanh, cô Cầm, người hầu cũ của en, người đẹp ở đất La Thành, người đàn bà trong đá vọng phu, các bà phi vợ vua Thuấn, chị em TiểuKiều, Đại Kiều thời Tam Quốc, Dương Quý Phi, Ngu Cơ, ba người đàn bà ở miếu Tam Liệt... Và đặc biệt là hình ảnh người vợ hiền đầu gối tay ấp đã mất của nhà thơ trong bài Ký mộng.

- Người tài, người hiền: Nguyễn Du quan niệm rằng xưa nay hiếm, lại hay bị trời đất ghen ghét. Ông mến họ vi họ là những người trung nghĩa, yêu nước thương nòi, trọng dân kính chúa, một đời vì nghĩa lớn quên mình, một lòng tận trung báo quốc. Ông hết lời tuyên dương họ và nêu bật được những nét tích cực nhất của họ. Ông ca ngợi Cù Thức Trĩ ở Quế Lâm tuẫn tiết giữ thành, nghìn năm nằm dưới đất tóc ông vẫn dài nhất định không chịu hàng phục nhà Thanh (Quế Lâm Cù Các bộ). Ông thông cảm cho Liễu Tông Nguyên, một trong bát đại danh gia, thương cho số kiếp đày đọa của con người tài hoa, thấu hiểu vì sao cỏ cây khe suối nơi ông ở đều có tên là Ngu (Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch). Qua sông Hoài nhớ Hàn Tín, Nguyễn Du nhắc đến nghĩa cử cao đẹp đền ơn Phiếu mẫu, nhắc đến tinh nghĩa vua tôi... (Độ Hoài hữu cảm Hoài âm hầu). Cũng trên sông Hoài, Nguyễn Du vừa phục tài thơ vừa thâm cảm chính khí của người anh hùng dân tộc thời Nam Tống là Văn Thiên Tường, tác giả Chính khí ca nổi tiếng (Độ Hoài hữu cảm Văn Thừa tướng). Ông cũng ca ngợi Âu Dương, người được mệnh danh là Hàn Phi đời Tông. Bùi Tấn Công tướng mạo tầm thường mà văn võ song toàn, một đời xả thân cống hiến nhưng cứ bị bọn hoạn quan lộng quyền, phải cáo quan về nghỉ (Bùi Tấn Công mộ). Tỷ Can, Liêm Pha, Dự Nhượng, Kinh Kha đều là những bề tôi trung nghĩa. Tỷ Can chết một gò cây cỏ đều được thành nhân. Liêm Pha nghìn thuở tên tuổi vẫn còn truyền. Kinh Kha một lần ra đi làm lạnh cả dòng nước sông Dịch. Gương trung liệt của Dự Nhượng nghìn đời còn ghi... 

Nguyễn Du không chỉ thương cảm số phận bi đát của họ mà ông còn khâm phục họ. Đối với những người mắc một nỗi oan lạ lùng như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Nhạc Phi... Nguyễn Du tự xem mình cùng hội cùng thuyền, tự ngồi vào ngã tự cư con thuyền số mạng chòng chành của những nhân vật sống cách ông hàng nghìn năm. Nguyễn Du đau đớn thay Khuất Nguyên Hãy sớm thu tinh thần vào cõi hư vô, nuốt tủi thay Đỗ Phủ, ngậm hờn thay Nhạc Phi Mười năm huyết chiến để làm nên cái việc. Bị giết ở đình Phong ba để triều đình tạ tội với người Kim (Yển thành Nhạc Vũ Mục ban sư xứ)... Đó là những người tài, một sớm một chiều bị số phận vùi dập. Còn đối với những kẻ ảc, kẻ xấu thái độ của ông cũng rất rõ ràng. Ông phê phán Tào Tháo, chê giễu Tô Tần, mắng chửi không tiếc lời đối với vợ chồng Tần Cối, kẻ đã hại chết người anh hùng Nhạc Phi…

3. Mồ mả, tha ma

Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, thế giới này hiện diện rất rõ. Thanh Lãng nói hơi quá nhưng có cơ sở: “Nguyền Du thi sĩ của niềm tin dị biệt, thi sĩ của mồ mả, tha ma, nghĩa địa...”. Thật vậy đã có 84 lần Nguyễn Du nhắc đến mồ mả, đình đền, gò đống trong 250 bài thơ của mình. Đây là không gian của người chết. Quả là Nguyễn Du quan tâm nhiều đến ngôi nhà của người chết. Thực ra trong thơ chữ Hán có bộ phận thơ đi sứ, ở đó ông thường nhắc lại những nhân vật tiếng tăm trong lịch sử Trung Quốc mà ông đã được đọc qua sách và hay chứng kiến tận mắt trên đường đi. tất nhiên phải nói đến mồ mả, đình đài ... tuy không nhất thiết phải vậy! Và ở một số bộ phận thơ khác, trong phong cảnh cũng có lẩn khuất hình ảnh những nấm mộ hoang, những đống xương tàn, những đình đài xiêu ngã. Trong thế giới của sự sống thì cái chết là một cái gì vô cùng bí ẩn, con người luôn thấy sợ hãi trước nó và muốn hiểu biết về nó. Nguyễn Du hơn ai hết đã ý thức về sự sống tạm bợ ngắn ngủi này và luôn lo lắng phập phồng về cái chết. Bao nhiêu câu hỏi về nhân sinh cứ ngổn ngang khiến Nguyễn Du không thể không đưa nó vào thế giới nghệ thuật của mình. Nó trở thành một mốì bận tâm sâu sắc và hễ lúc nào thuận tiện thì nó bật ra trong thơ. Cho nên những đình đền, gò đống, mồ mả thường phát ra tín hiệu âu lo về cuộc sống nhân sinh và Nguyễn Du là người luôn luôn nhanh nhạy nắm bắt tín hiệu đó và phát sóng đi, lan truyền tới mọi người. Nếu không thế tại sao cứ gặp mồ mả, gò đống thì Nguyễn Du xúc dộng?
“Vãng sự bi thanh trừng
(Thu chí)
(Chuyện cũ bi thương nấm mồ cỏ xanh)
Lộ kinh Tam Tấn giai khâu thổ
(Dư Nhượng chủy thủ hành)
Hình như ông muốn kiến giải vể những nấm mồ, những gò đống kia nhưng rồi có lẽ không kiến giải nổi nên ông chỉ nói theo cách nói của người xưa với giọng ngùi ngùi:
“Thiên niên cổ mộ một Phiên ngu” (Triệu Vũ Đế cổ cảnh)
(Ngôi mộ nghìn năm ở Phiên Ngung cũng đã mất)
“Thu thảo nhất khâu tang thử lạc” (Âu Dương Văn Trung mộ)
(Một nấm cỏ thu thành hang chuột cáo)
Cái chết, thời gian cũng vùi lấp. Chỉ có không gian của vũ trụ là trường tồn. Tiến trình đi đến hủy diệt tan rữa ấy không nhường bước trước một ai.Vua chúa hay thường dân cuối cùng cũng chỉ còn lại một nấm đất.
“Phong xuy cổ trủng phù vinh tận” (Ngẫu thư công quán bích)
(Gió thổi vào nấm mồ xưa bao vinh hoa hảo tan hết)
“Cổ kim hiền ngu nhất kháu tho” (Hành lạc từ II)
(Xưa nay kẻ hiền người ngu cũng chỉ còn trơ lại một nấm đất).
Nấm đất ấy lại tiếp tục đi vào hệ thống tan rã, nó sẽ bị san phẳng hoặc sụp đổ, nghiêng lở để cuối cùng không còn lại dấu vết nào. Con người khi ấy thực sự trở về cốt bụi. Như vậy những vấn đề khác được đặt ra: con người chết rồi sẽ đi đâu, về đâu? Có sự tồn tại của kiếp sau đời người hay không? Kiếp này và kiếp sau có liên quan gì? Khoảng giữa kiếp trước và kiếp sau phần xác tàn rữa, còn phần hồn nương tựa vào đâu, hay cứ phải lơ lửng vật vờ?.... Những câu hỏi không có lời đáp, con người không thể tìm biết được. Vì thế cho nên cái chết đối với con người thật đáng sợ. Và cuộc sống hiện tại là tất cả, ông khuyên con người phải biết tôn trọng cuộc sống của mình, phải biết nắm giữ vận mệnh của mình.
Trong Truyện Kiều, không gian du xuân của 3 chị em Thúy Kiều không phải là cảnh quang êm ả mà là không gian của mồ mả, tha ma, nghĩa địa “Ngổn ngang gò đống kéo lên / Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay”. Sau đó không lâu hình ảnh bóng ma kỹ nử Đạm Tiên xuất hiện. Bóng ma ấy là sợi dây định mệnh theo suốt cuộc đời của Thúy Kiều.

4. Cầu cúng, khấn vái

Thờ cúng là một phong tục, nét văn hóa của người Việt nhằm nhớ ơn đến tổ tiên, ông bà, cầu mong ông bà phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Trong các sáng tác của Nguyễn Du, ta có thể thấy rõ việc này thông qua lập đàn cầu đảo, lập đàn chiêu hồn. Thúy Kiều trước Phật đài cầu an cho cha mẹ: “Nén hương đến trước thiên đài/ Nỗi lòng khấn chữa cạn lời phân vân”. Hay như Thúc Sinh mời thầy đạo sĩ về lập đàn cầu đảo mong tìm thấy tin tức của Kiều: “Trên tam đảo, dưới cửu tuyền,/ Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng,/ Sắm sanh lễ vật đưa sanh/ Xin tìm cho thấy mặt nàng hỏi han”. Những oan hồn trong “Văn tế thập loại chúng sinh” đã được Nguyễn Du lập đàn cúng: “Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo./  Của có chi bát cháo nén nhang/Gọi là manh áo thoi vàng/ Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên.” Thắp nhang, khấn vái để nói lời tri ân với người đã chết, có khi đó là sự sẻ chia tâm tư với người bất hạnh nơi chín suối. Thúy Kiều khi đi qua mộ Đạm Tiên đã thắp hương và khấn vái: “Đã không kẻ đoái người hoài,/Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương/ Gọi là gặp gỡ giữa đường/Họa là người dưới suối vàng biết cho/ Lầm rầm khấn khứa nhỏ to/Sụp ngồi vài gật trước mồ bước ra”.

Trong Truyện Kiều nhân vật thề nguyền với nhau rất nhiều. Những từ: Thề, nguyền, nguyện xảy ra 23 lần, câu thề được nói ra 7 lần và một lời (lời thể) 18 lần. Trong “Văn chiêu hồn”, tự thân tác phẩm cũng đã cho thấy một cách rõ rệt hai thế giới âm - dương. Người trên cõi thê cúng tế để giải thoát cho các linh hồn chết oan ở cõi âm.

5. Giấc mộng

Thế giới tâm linh trong sáng tác của Nguyễn Du còn được biểu hiện thông qua giấc mộng. Giấc mộng thể hiện việc nhìn thấy người hay sự kiện hiện ra như thật trong giấc ngủ. Đó như là đỉnh điểm của mọi mong ngóng, ám ảnh được tái hiện trong giấc ngủ của con người.

Có giấc mộng lành và có giấc mộng dữ. Giấc mộng lành không gây ra nỗi sợ hãi, lo lắng cho con người  mà thường mang lại may mắn. Trong thơ chữ Hán, giấc mộng xuất hiện nhiều và cảm động nhất là cuộc gặp gỡ người vợ quá cố đầu gối tay ấp trong bài “Ký mộng”. Tình cảm của ông đối với vợ thật sâu nặng. Ông không ca ngợi vợ như Bùi Hữu Nghĩa, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Kiều, ông thực sự nghĩ về vợ bằng tất cả nỗi nhớ nhung xuất phát từ tình yêu. Nguyễn Du xa nhà năm tháng phiêu bạt, người vợ nếu không mất thì chắc cũng đang chờ đợi héo hon. Ông đã hình dung ra điều ấy. Gặp lại vợ trong giấc mơ, bao nhiêu nỗi niềm trong tưởng tượng được dịp tuôn chảy dạt dào. Nguyễn Du nói trong mộng thấy rõ ràng Mộng trung phân minh kiến nghĩa là thấy rất rõ người vợ từ quê hương lặn lội tìm chồng nơi bến sông, nhan sắc vẫn như xưa tuy áo quần có hơi xốc xếch. Thêm nữa, người vợ vốn không biết đường mà núi Tam Điệp nhiều hổ báo, sông Lam lắm thuồng luồng, đường đi hiểm trở... Vẽ ra bao nhiêu lí do để thấy chuyện đi tìm chồng của vợ là cực kì khó khăn nhưng nhớ nhau quá đành phải liều... nàng chỉ có một lí  do duy nhất là nhớ chồng. Tỉnh cảm mới đẹp làm sao! Vợ Nguyễn Du đã vượt qua tất cả, cả khuê môn lẫn đưòng xa vất vả chỉ để nói ìên tiếng nói tình yêu. Và người chồng càng tuyệt vời, sâu sắc hơn khi tưởng tượng ra tất cả những điều ấy trong giấc mộng.

Giấc mộng dữ đem đén sự sợ hãi, lo lắng, ám ảnh. Giấc mộng gặp Đạm Tiên của Thúy Kiều có thể coi là giấc mộng dữ để rồi từ đó số phận của Kiều gắn với những lần báo mộng đó. “Thoát đâu thấy một tiểu kiều/ Có chiều phong vận có chiều thanh tân”; hay “Rằng: vâng trình hội chủ xem tường/ Mà xem trong số Đoạn trường có tên”;  “ Rỉ rằng nhân quả dở dang/ Đã toan trốn  nợ đoạn trường được sao/ Số còn nặng nghiệp má đào/Người dù muốn quyết, trời nào có cho/ Hãy xin hết kiếp liễu bồ/ Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau”.
Như vậy thông qua giấc mộng, Nguyễn Du muốn nói điều gì? Thế giới tâm linh tràn ngập trong bài thơ. Mộng - thực. Người sống - người chết. Trần thế - âm phủ. Hai thế giới này có thể tương thông qua hình thức giấc mộng.
Còn rất nhiều bài thơ khác Nguyễn Du đề cập đến giấc mộng và chính ông cũng tự nhận thấy mình là người hay sống trong mộng, cũng không chỉ mình ông mà cả thiên hạ đều sống trong mộng
“Tri giao quái ngả sầu đa mộng
Thiên hạ hà nhân khấp mộng trung”(Ngẫu đề)
Nguyễn Du đã dùng cách nói của Lão Trang để giải thích nhưng thực ra đây cũng là cách chứng thực cuộc đời. Cuộc đời này với những mong ước chỉ có thể có trong giấc mộng mà thôi. Mà cuộc đời này khác gì giấc mộng Trần thế bách niên khai nhãn mộng (La phù giang thủy các độc tọa). Do đó mà con người luôn thu minh lại với cái bóng, chia sẻ với cái bóng, nhưng rồi ngay cả cái bóng cũng chẳng giải quyết được gì.

          6. Ý nghĩa của các yếu tố tâm linh trong sáng tác của Nguyễn Du
          6.1. Phản ánh hiện thực đời sống

Trước hết đó là hiện thực đời sống tâm linh. Có những hiện tượng tâm linh tồn tại ảo như trời, phật, thần thánh, chiêm bao, mộng mị,…Tuy nhiên, đa số chúng ta đều thừa nhận rằng có thế giới siêu nhiên ngự trị trong đời sống của con người và sự phán quyết của thế giới quyền năng này được gọi là số phận, nghiệp, duyên, kiếp. Bên cạnh niềm tin vào sự linh thiêng khi cầu khẩn, người xưa còn tin vào chiêm bao, mộng mị, cho rằng mọi việc diễn ra trong giấc mộng đều mang một ý nghĩa nhất định. Hiện thực đời sống tâm linh còn được người xưa nói đến niềm tin vào luật nhân quả: “gieo nhân nào thì gặt quả đó”, “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”.

Bên cạnh đó còn có yếu tố tâm linh tồn tại thực như đền, đình, mồ mả, thờ cúng, khấn vái,…Nhu cầu tâm linh là nhu cầu chính đáng của con người, đó là điểm tựa không thể thiếu trong đời sống trần thế. Vào dịp lễ tết hay ngày rằm, mồng một, ngày giỗ ông bà, con cháu trong gia đình đều làm lễ để cúng tổ tiên, ông bà. Theo quan niệm của người xưa, mồ mả là nơi yên nghỉ cuối cùng của tổ tiên, mọi việc trong cuộc sống hiện tại của con cháu đều liên quan đến mồ mả, tổ tiên, vì vậy mà con cháu phải có ý thức giữ gìn,chăm sóc phần mộ của ông bà. Một hiện tượng tâm linh thực nữa đó là người Việt thích được xem bói như xem ngày động thổ, giờ hạ huyệt, cũng thích thề nguyền. Đó là những tập tục không thể thiếu trong đời sống của dân Việt.
Ngoài ra, thông qua hiện thực đời sống tâm linh chúng ta có thể thấy được hiện thực đời sống xã hội đương thời. Các yếu tố tâm linh không phải là một cái gì xa lạ mà chính là hiện thực đời sống được lạ hóa với tính chất kì lạ, những yếu tố tâm lí như là một hình thức nghệ thuật nhằm phản ánh cái thực của đời sống xã hội. Mượn ảo để nói thực. Đó là hiện thực cuộc sống lay lắt bởi đe dọa của chiến tranh, sự đổi thay của thời đại, sự tang thương bể dâu của cuộc đời, sự chóng vánh, ngắn ngủi của một kiếp người, nhất là bức tranh phong phú, đa dạng về xã hội từ thế kỉ XVIII- XIX.

6.2. Ý nghĩa giáo dục sâu sắc
Đằng sau những câu chuyện về yếu tố tâm linh là những bài học sâu sắc cho con người.
Thờ cúng với bài học đạo đức, lòng bao dung. Chúng ta thờ cúng các vị thần là vì theo quan niệm đó là lực lượng siêu nhiên có khả năng giúp đỡ con người tai qua nạn khỏi, đem lại cuộc sống bình an. Đồng thời cũng nhắc nhở những người đang sống phải nhớ đễn cội nguồn, biết kính trọng, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc sinh thời và thờ phụng khi họ qua đời. Thông qua hình tượng Thúy Kiều mà giáo dục lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Thờ cúng tổ tiên có ý nghĩa giáo dục quan trọng đối với các thành viên trong gia đình, dòng họ. Đó không chỉ là nhu cầu đền ơn đáp nghĩa mà còn là nhu cầu tinh thần bù đắp những thiếu hụt trong cuôc sống thực tại khó khăn của con người.

Lời thề với bài học về tinh thần trách nhiệm. Con người phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã nói, những việc mình đã làm. Đó là con người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, thông qua yếu tố tâm linh thì con người xích lại gần nhau với nhau hơn, tăng tính đoàn kết, nó là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Qua đó, thể hiện ước mơ, kháy vọng hạnh phúc của con người. Mơ ước một xã hội tự do, công bằng, hạnh phúc, khát khao về tình yêu tự do.

KẾT LUẬN

          Việc am tường về văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh với những biểu hiện sinh động, phong phú của nó đã giúp cho Nguyễn Du có cái nhìn toàn vẹn, sâu sắc về cuộc sống, con người. Thế giới tâm linh tràn ngập trong sáng tác của Nguyễn Du và được ông sử dụng như một phương tiện hữu hiệu nhằm bộc lộ nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Ẩn sau cái thế giới đó là những vấn đề nóng bỏng của thời đại, những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để rồi bạn đọc có thể tìm thấy cho mình những giá trị văn hóa truyền thống từ lâu đời của cha ông, đó là tục thờ cúng tổ tiên, là những lễ hội mang đậm màu sắc dân gian, là những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp được truyền từ đời này sang đời khác. Chính yếu tố tâm linh làm cho tác phẩm mang nhiều nét buồn thương, bi thiết vì những nấm mồ vô chủ, những oan hồn cô đơn, lạnh lẽo đồng thời ta lại thấy được chân dung của một con người với tình thương bao la, một nhà nhân đạo lớn của dân tộc, một người hết lòng vì đời. Những sáng tác của Nguyễn Du mãi mãi để lại sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi trái tim ông đã đập cùng nhịp đập của hàng triệu người dân Việt Nam.


Nhóm của
Hà Thị Hoài Phương




2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Sáo rỗng và quy chụp theo mô típ quen thuộc. Vắng bóng hoàn toàn chính kiến và con mắt khải huyền - một điều kiện cần thiết để luận bàn về chủ đề này. "Khải Huyền" mang chức năng tinh từ phẩm định sự đủ tầm của kẻ trí khi muốn luận về nội dung kiểu này! Cao học kiểu này.... thường quá!

    Trả lờiXóa