Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

TÌNH HÌNH SÁNG TÁC VĂN HỌC CHO THIẾU NHI Ở PHÚ YÊN (Lê Kim Tám)



1. Bắt đầu từ giữa thập niên 80 của thế kỉ XX, trong xu thế chung của văn học, các sáng tác cho thiếu nhi cũng dần trở về trạng thái phát triển bình thường với sự chuyển biến từ cảm hứng lịch sử dân tộc sang cảm hứng thế sự đời tư. Nhiều tác phẩm ra đời với sự đa dạng trong đề tài, thế giới nhân vật; chủ đề tư tưởng thấm đẫm tình thương, nghệ thuật viết điêu luyện, gần gũi với thiếu nhi. Các nhà văn viết cho thiếu nhi ngoài việc tái hiện những môi trường văn hóa có tính chất giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn thơ bé còn chú ý sáng tác bằng nhiều thể loại, mong đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thiếu nhi trước cuộc xâm lăng của truyện, tranh truyện, phim ảnh của nước ngoài. 

2. Văn học viết cho thiếu nhi ở Phú Yên cũng nằm trong mạch chung đó của văn học cả nước. Đội ngũ những người sáng tác văn học cho thiếu nhi ở Phú Yên tương đối ít so với mảng văn học cho người lớn. Có người chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi, cũng có người chỉ đóng góp một vài tác phẩm chứ chưa chuyên tâm viết lâu dài, nên số lượng tác phẩm cho thiếu nhi vẫn còn rất hạn chế, chưa đáp ứng sự mong mỏi của bạn đọc nhỏ tuổi. Nhưng có thể thấy rằng những tác giả nào đã sáng tác cho thiếu nhi đều gặt hái được ít nhiều thành công.

Trần Huiền Ân là tác giả thơ nổi tiếng cả nước trước 1975. Nhiều bài thơ tiêu biểu của tác giả được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông ở giai đoạn này. Từ sau 1975, tác giả vẫn miệt mài viết và cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị. Ở cái tuổi "thất thập", cái tuổi chơi đùa với cháu, Trần Huiền Ân tập trung sáng tác truyện và khảo cứu văn hóa, đặc biệt là truyện dành cho thiếu nhi. Những câu chuyện viết cho thiếu nhi của Trần Huiền Ân luôn dung dị, gần gũi với trẻ thơ. Đó có thể là sự rút tỉa từ sự tích lũy tuổi thơ của tác giả, nhưng quan trọng hơn, có lẽ Trần Huiền Ân viết truyện cho thiếu nhi chỉ đơn giản như một món quà cho các cháu của ông; và đó cũng sẽ là những món quà ý nghĩa, thi vị cho tất cả thiếu nhi trên cả nước. Tập truyện Mùa hè quê ngoại (NXB Trẻ, 2013) đoạt giải thưởng ở cuộc thi "Vì tương lai đất nước" lần thứ III do NXB Trẻ và Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Qua cảm nhận của Đan Giao, Chương Khôi, Quỳnh Huyên và Hoàng Phố, bức tranh vùng nông thôn thanh bình của "quê ngoại" hiện lên với vẻ đẹp thơ mộng, muôn sắc màu của thiên nhiên. Tập truyện Huyền thoại mở đất (NXB Trẻ, 2013) cũng từng lọt vào vòng chung khảo của cuộc thi này. Tập truyện gồm 10 chương liên tái hiện bức tranh của vùng núi của miền trung với các huyền thoại của thời mở đất, những trò chơi dân gian một thời còn lưu dấu trong tâm thức người dân. Tập truyện dài Ngọc cờ quân thứ (NXB Trẻ, 2006) kể về nhân vật lịch sử Lê Thành Phương và phong trào Cần vương ở Phú Yên do Lê Thành Phương khởi xướng ở thế kỉ XIX. Ở tập truyện này, Trần Huiền Ân đưa bạn đọc nhỏ tuổi trở về lịch sử cùng những năm tháng khởi nghiệp, dấy binh, tập trung nhân dân vùng Nam trung bộ đứng lên chống Pháp của ông tú Lê Thành Phương, từ đó hiểu thêm về phong trào Cần vương ở Phú Yên nói riêng, Nam trung bộ nói chung và hiểu biết về văn hóa, kinh tế của vùng đất Phú Yên lúc bấy giờ.

Huỳnh Thạch Thảo và Huỳnh Văn Quốc là những tác giả sáng tác cho thiếu nhi không nhiều nhưng để lại nhiều ấn tượng cho bạn đọc. Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo góp vào mảng văn học cho thiếu nhi với truyện ngắn Bên dòng sông Ba Hạ từng đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi "Tầm nhìn thế kỉ" do báo Tiền Phong tổ chức năm 2001. Nhân vật trung tâm của truyện là thằng Đất "đen nhẻm, tóc đít vịt vàng cháy, hàm răng trắng" sống cùng ông nội bên dòng sông Ba Hạ. Cuộc sống dù lam lũ, vất vả, nhưng Đất luôn tìm thấy niềm vui cùng đám bạn nơi đây. Tuổi thơ của em dù nhiều mất mát nhưng cậu bé vẫn sống lạc quan. Đọc tác phẩm, người đọc không chỉ yêu mến con người nơi đây mà còn hiểu được nhiều phong tục, những món ẩm thực đặc sắc của vùng này. Thông qua nhân vật Đất, Huỳnh Thạch Thảo như muốn gửi gắm một thông điệp: dù cuộc đời con người đứng trước những vòng xoáy, nhưng nếu có nghị lực sẽ tìm thấy giá trị đích thực của cuộc sống.

Tập truyện dài Tiếng vọng ngày xanh của nhà văn Huỳnh Văn Quốc đoạt giải thưởng ở cuộc thi sáng tác truyện và tranh truyện cho thiếu nhi 1999-2000 (do NXB Kim Đồng tổ chức). Truyện xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính là cậu bé Quyết. Từ những hồi ức của Quyết, bạn đọc nhỏ tuổi sẽ hình dung một vùng quê thanh bình với dòng sông, cánh đồng, được đánh trận giả, sục sạo khắp các kẽ rào để tìm trái dẻ chín. Cảnh nông dân làm đồng, bẫy chim, đặt ống trúm bắt lươn, những trò chơi của trẻ em như đá dế, xúc cá được nhà văn tái hiện một cách chân thực, sinh động. Bạn đọc còn được thấy nghị lực vươn lên học tập, quyết thành tài của một cậu bé mồ côi. Có thể nói, với thủ pháp "dòng hồi tưởng" cộng với nghệ thuật miêu tả tâm lí sắc sảo, Tiếng vọng ngày xanh của Huỳnh Văn Quốc đem lại dư âm và sự thích thú cho các bạn nhỏ yêu mến văn chương. 

Trần Quốc Cưỡng cũng là nhà văn tâm huyết viết cho trẻ em. Khúc biến tấu dã tràng (NXB Lao Động, 2014) từng đoạt giải A của Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên lần thứ IV là một tập truyện hay viết cho thiếu nhi. Tập truyện kể về câu chuyện cậu bé Xẩm ở làng chài Triều Khê thông minh, sáng dạ, nhưng vì nhà nghèo, mẹ mất sớm nên không được đến trường như bao bạn nhỏ khác. Đêm đến, Xẩm lang thang dọc bờ biển tìm những đồ vật dạt vào bờ từ các con tuyền ngoài khơi xa, mong bán được ít đồng để mua gạo. Ban ngày thì em đi hái lá cúi ra chợ bán kiếm tiền. Ba Xẩm cũng như bao người đàn ông khác ở làng chài này, mùa đông không đi biển nên uống rượu suốt ngày. Rồi ba Xẩm có vợ bé, Xẩm ở một mình trong căn nhà tình nghĩa nhỏ xíu được chính quyền xã xây tặng. Xẩm lớn lên giữa tình thương của mọi người ở làng chài Triều Khê, rồi cũng sẽ như bao nhiêu người đàn ông ở cái vùng này, lại vươn mình ra khơi, đánh bắt cá, ăn ngủ cùng với biển cả. Điều đọng lại trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi là nghị lực phi thường của cậu bé Xẩm. Thông qua câu chuyện cuộc đời của Xẩm, nhà văn lồng vào đó sự trăn trở của mình về tình trạng thất học của trẻ em ở vùng biển. "Làng Triều Khê gần bốn trăm hộ gia đình chỉ có Thệ là người đầu tiên thi đậu vào cấp ba. Trước đó chưa có đứa con gái nào học hết cấp hai" (tr.166). Trần Quốc Cưỡng cũng thử sức ở thể loại truyện giả tưởng dành cho thiếu nhi. Các truyện ngắn Phi thuyền dưới đầm con voi, Tàu vũ trụ sa mạc Trà-nóc, Trên đỉnh Sa-pun, … vừa mang màu sắc huyễn hoặc, vừa có tính khoa học viễn tưởng. Tác giả đánh trúng vào tâm lí thích khám phá, ưa phiêu lưu, mạo hiểm của trẻ em. Ở những truyện này, Trần Quốc Cưỡng sử dụng "thủ pháp" tạo tình huống đặc biệt để đưa các nhân vật trẻ em tham gia vào những chuyến phiêu lưu, khám phá những điều kì thú khác lạ so với đời sống thường ngày của các em. 

Tác giả Pha Lê là người thích viết cho thiếu nhi. Truyện của chị được đăng trên các báo trung ương, địa phương và các trang web có uy tín của cả nước. Người đọc nhận ra một Pha Lê viết rất có duyên và hài hước, tinh nghịch trong tập truyện đầu tay Cuộc giải thoát siêu đẳng (Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Yên ấn hành, 2009). Tập truyện đạt giải nhì do bạn đọc bình chọn năm 2009 tại thư viện Hải Phú. Đầu tháng 5/2016, Pha Lê tiếp tục trình làng tập truyện ngắn cho thiếu nhi với tên sách thu hút bạn đọc nhỏ tuổi: Biệt thự tường bể (do NXB Kim Đồng ấn hành). Có thể thấy, những sáng tác của Pha Lê thường hướng đến bạn đọc ở độ tuổi tiểu học. Mỗi câu chuyện của chị là một cuộc phiêu lưu, một kì án, một hoàn cảnh đáng thương của tuổi học tuổi chơi. Nhìn chung, truyện viết cho thiếu nhi của Pha Lê đã làm tròn chức năng giáo dục của văn học. Mỗi câu chuyện là một bài học nhỏ cho các em từ cuộc sống. Nhân vật trẻ em trong truyện của Pha Lê rất đa dạng. Có khi là một em bé ngốc nhưng tốt bụng, có khi là những đứa trẻ mồ côi, những em bé có hoàn cảnh gia đình khó khăn, những Y Tuôn, Hơ rin người đồng bào dân tộc thiểu số ham học; cũng có nhiều bạn nhỏ sống trong gia đình khá giả nhưng có tấm lòng thương người,… Với phong cách hiện đại, gần gũi, thân thiết với các bạn nhỏ, truyện thiếu nhi của Lê Pha Lê không đi theo dòng hoài niệm về tuổi thơ như một số tác giả khác. Chị chọn cho mình cách tiếp cận với các bạn nhỏ bằng những tình huống hài hước, nhẹ nhàng, trìu mến nhưng không thiếu sự gây cấn, kịch tính, dễ dàng làm vừa lòng các bạn nhỏ trong từng chi tiết. 

3. Nhìn qua diện mạo văn học cho thiếu nhi ở Phú Yên, có thể thấy văn xuôi chiếm đa số, rất ít thơ cho thiếu nhi (có lẽ chỉ có Đào Đức Tuấn là sáng tác thơ cho bạn đọc nhỏ tuổi, tập thơ Ôm tròn trái đất). Đây cũng là tình hình chung của văn học cả nước. Một số tác giả chú ý đến thể loại truyện đồng thoại. Biệt thự tường bể, Khu rừng Lôm Côm, Cuộc giải thoat siêu đẳng (Pha Lê), Nguyên Soái, Tô Tô (Y Nguyên) và Nhện con đỏng đảnh (Huỳnh Quang Nam) là những truyện đồng thoại gây được ấn tượng với bạn đọc nhỏ tuổi. Các thể loại truyện cổ viết lại hay truyện cổ tích hiện đại, truyện phiêu lưu, du kí hầu như chưa được chú ý đến. Bù lại, văn học viết cho thiếu nhi ở Phú Yên đã chú ý khai thác đề tài lịch sử, thế sự, khái quát cuộc sống hiện tại và thế giới huyễn tưởng của trẻ em. Nếu hình dung các nhà văn viết cho thiếu nhi ở Phú Yên như một dàn hợp tấu thì người đọc sẽ nhận ra giọng một piano-Trần Huiền Ân tha thiết, một Saxophone-Huỳnh Thạch Thảo du dương, một Trumpet-Trần Quốc Cưỡng lảnh lót, một violon-Huỳnh Văn Quốc réo rắc, một guitar-Pha Lê rộn ràng. Tất nhiên còn nhiều nhạc cụ khác nữa, tất cả mang đến cho bạn đọc nhỏ tuổi của tỉnh nhà một thế giới tuổi thơ đầy màu sắc.

4. Nhà văn Nguyên Ngọc từng viết "Viết cho các cháu thật khó, chắc khó hơn viết cho người lớn nhiều. Và viết được hay cho các cháu thì đúng là nhà văn có tài. Cho nên tôi thật lòng yêu quý, trân trọng những tác phẩm các anh chị viết được hay cho các cháu, và cảm phục những nhà văn theo tôi rất đáng kính trọng đó" (1). Rõ ràng viết cho thiếu nhi không dễ, càng khó để viết hay cho lứa tuổi này. Nhìn vào diện mạo của văn học viết cho thiếu nhi ở Phú Yên trong thời gian qua, chúng ta có quyền tự hào rằng mảng văn học cho thiếu nhi đang trên đà vươn xa. Bạn đọc nhỏ tuổi cần nhiều hơn nữa những sáng tác đặc sắc dành tặng cho lứa tuổi mình. Trách nhiệm nặng nề đó đặt trên vai những tác giả yêu mến thiếu nhi và viết thật hay cho thiếu nhi.

Lê Kim Tám
Lớp CH VHVN K17 - ĐHQN

------------------------

(1) Nguyên Ngọc, Hội thảo về ba nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Phạm Hổ tại Hà Nội, 1986.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Phú Yên số 204-205


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét