Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

Mạch nguồn truyền thống lục bát Nguyễn Trọng Tạo

Mỗi dân tộc giàu truyền thống thơ ca đều có một thể loại kết tinh đời sống tâm hồn của dân tộc ấy. Đó là thơ Đường của Trung Hoa, là Hai-cư của Nhật Bản, là lục bát của Việt Nam. Lục bát là thể thơ mang trong mình những đặc trưng dân tộc về văn hóa đã tích tụ, dồn nén và kết tinh qua sự gọt giũa của thời gian. 

Thể thơ này hình thành và phát triển trong ca dao, dân ca, được thi hào Nguyễn Du nâng tới đỉnh cao qua "Truyện Kiều" và càng trở nên phong phú, đa dạng nhờ những đóng góp của các thế hệ nhà thơ như: Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn … Khai thác thể thơ đã quá quen thuộc và rất thành công với những thể nghiệm của nhiều cây đại thụ trong làng văn xưa nay, Nguyễn Trọng Tạo vẫn mạnh dạn thả ngòi bút sáng tạo. Ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa, văn học dân gian, nhiều bài lục bát của ông mang hơi thở của ca dao:

Ngày dài đợi tháng đợi năm

bông hoa đợi quả, mảnh trăng đợi tròn

đất cày thì đợi xanh non

rét đang đợi ấm, nắng còn đợi mưa

(Đợi…)

Những lời ăn tiếng nói hàng ngày, cách ví von so sánh, lối nói khẩu ngữ, những thành ngữ….đã được ông đưa vào trong lục bát của mình một cách tự nhiên, dung dị tạo nên một thế giới thật riêng biệt – thế giới của chân quê. Cách hiệp vần, nhịp điệu tuân thủ theo quy tắc lục bát truyền thống là lời thơ mang âm điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển như thơ dân gian. Bài thơ còn bắt chước ca dao ở lối cấu tứ độc đáo. Đó là cách nói vòng vo, ưỡm ờ theo kiểu: Khăn thương nhớ ai/ Khăn rơi xuống đất/ Khăn thương nhớ ai/ Khăn vắt lên vai… Bài thơ nói rất nhiều đến cái đợi của cỏ cây, vạn vật chỉ để nói lên cái tình, cái đợi của anh:

Bao nhiêu chờ đợi trên đời

bỗng dưng anh hiểu khi ngồi đợi…em!

Chất liệu dân gian được Tạo sử dụng khá phổ biến trong thơ mình:

Cầm lòng rời bến thuyền ơi

thuyền xa bến hẹn sông hiền sóng ngoan

(Cầm lòng)

Bằng thi liệu thuyền, bến quen thuộc, người đọc cảm nhận được cái tình luyến lưu không nỡ rời xa, nhưng phải cầm lòng cất bước của những người trong buổi chia ly. Đây không phải cuộc chia tay thắm tình quân dân như thơ Tố Hữu (Mình về mình có nhớ không/ Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn – Việt Bắc), cũng không phải sự chia ly bịn rịn của đôi lứa yêu nhau trong thơ Nguyễn Bính (Anh đi đây, anh về đâu?/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm – Cánh buồm nâu) mà là sự chia tay của những người bạn thơ: Người về Hà Tĩnh xa Vinh/ nửa thân ngoài nớ nửa mình trong ni. Xa những tri kỉ tâm đầu ý hợp, dù biết phải “cầm lòng” nhưng sao lòng vẫn cứ vân vi:

Cầm lòng sao cứ vân vi

mây thì nặng trĩu núi thì nhẹ tênh

Nguyễn Trọng Tạo đã vận dụng tài tình lối nói ngược của ca dao để diễn tả sự lưu luyến trong lòng. Âm điệu nhịp nhàng của thể lục bát truyền thống cũng góp phần không nhỏ trong việc thể hiện tâm trạng của người đi, kẻ ở.

Không chỉ cảnh chia tay, khi tỏ tình, thi sĩ cũng quay về với lục bát, với ca dao:

Một can cho má em hồng

hai can anh đã vội trồng cây si

ba can đừng bỏ anh đi

anh buồn. Ghè rượu có khi lây buồn...

(Rượu cần)

Cách sử dụng số từ tăng dần theo kiểu liệt kê: một can, hai can, ba can…mười can, gợi nhớ đến bài ca dao quen thuộc Một thương tóc bỏ đuôi gà/Hai thương ăn nói mặng mà có duyên… Lối nói lấp lửng, ưỡm ờ của chằng trai trở nên đáng yêu và có duyên vô cùng. Cái tình lộ dần cùng sự tăng dần của số can mà anh uống, để rồi cuối cùng:

Chín can…rượu chẳng còn đâu

còn em hóa rượu. Cúi đầu, anh say...

Say rượu, say tình hay say thơ ta chả rõ, mà có lẽ cũng chẳng cần phân rõ. Lúc này em và rượu tuy hai mà là một – em hóa rượu còn đâu. Có lẽ ngay từ đầu, chả cần hơi rượu, anh đã trồng cây si nhưng vì nhút nhát hay lẽ gì đó mà đến lúc này anh mới cúi đầu thổ lộ cùng em. Lối nói vòng vo của ca dao tạo ra một hiệu ứng tuyệt vời cho bài thơ.

Tắm mình trong không gian thơ mộng, thanh bình của làng quê, lớn lên từ hạt lúa củ khoai của vùng sông Bùng xứ Nghệ, thơ Nguyễn Trọng Tạo nói như cách của Nguyễn Đăng Điệp – là những khúc hát từ cỗi nhớ của một kẻ nhà quê lưu lạc [2]. Sáng tác của Nguyễn Trọng Tạo lúc nào cũng da diết hướng về quê hương, về những tình cảm thiêng liêng đã hóa thành máu thịt:

Mẹ tôi dòng dõi nhà quê

trầu cau từ thuở chưa về làm dâu

áo sồi nâu, mấn bùn nâu

trắng trong dải yếm bắc cầu nên duyên…

(Mẹ tôi)

Lục bát là thể thơ dân tộc mang đậm bản sắc và phong vị quê hương. Chỉ với chín cặp lục bát mà nhà thơ đã dựng lên chân dung cuộc đời của mẹ mình thật sinh động, thần tình. Viết về người mẹ dòng dõi nhà quê ấy, không gì thích hợp hơn thể lục bát truyền thống. Lục bát là hồn phách của dân tộc Việt, là “khuôn mặt riêng giữa những khuôn mặt làng văn thế giới, … có những đường nét độc đáo không thể tìm thấy ở nơi nào, ngòai Việt Nam” [1]. Trở về với thể thơ quen thuộc của dân tộc, nhưng Nguyễn Trọng Tạo vẫn tạo cho mình một nét riêng, không lẫn với các cây bút cùng thời và cũng không lặp lại bất cứ nhà thơ nào trong quá khứ. Cùng mang âm hưởng ca dao nhưng lục bát Nguyễn Trọng Tạo không quê mùa như Nguyễn Bính (Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn – Cô hàng xóm), không viết theo lối tập ca dao như lục bát Nguyễn Duy (Mẹ ta không có yếm đào/nón mê thay nón quai thao đội đầu/rối ren tay bí tay bầu/váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa – Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa), cũng không táo tợn như Đồng Đức Bốn (Đang trưa ăn mày vào chùa/ Sư ra cho một lá bùa rồi đi / Lá bùa chẳng biết làm gì /Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày – Vào chùa). Cái riêng của lục bát Nguyễn Trọng Tạo là sự phiêu diêu của cảm xúc, ma lục của âm nhạc và sự kĩ lưỡng nghiêng về phía sang trọng của chữ nghĩa [2].

Nguyễn Thị Hương Lài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét