Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

Những cách tân trong thơ lục bát Nguyễn Trọng Tạo


Trong Văn chương cảm và luận Nguyễn Trọng Tạo đánh giá: “Lục bát là thể thơ anh minh, vô cùng đặc sắc và độc đáo của Việt Nam ta, nó luôn tạo được trường nét dư cho chính thể loại của mình. Lục bát là thể thơ dễ làm nhưng khó hay”. 

Ý thức được điều đó, khi quay về với thể loại dân tộc, Nguyễn Trọng Tạo đã không ngừng cách tân để tạo ra một cái gì đó mới lạ nhưng vẫn hay, vẫn hấp dẫn.

Lục bát Nguyễn Trọng Tạo ít khi tuân theo khuôn hình truyền thống của thể loại mà luôn có những biến thể độc đáo, linh hoạt. Bài Xonne lá non được viết theo mô hình một cặp câu bát đi liền một cặp câu lục bát trong khổ thơ:

Bay vào phòng anh một chiếc lá non

Ngoài kia đã bão lại còn mưa xiên

Lá non bay ngả bay nghiêng

Phòng anh cũng chẳng bình yên đâu mà

Cuộc sống đa dạng, đầy biến hoá tác động vào chủ thể sáng tạo, sinh ra những cảm quan mới về thế giới. Thi pháp thơ cuãng buộc phải đổi mới để có thể diễn tả sự đổi thay đó. Cảm xúc con người đôi khi không thể gò bó vào khuôn khổ của luật thơ. Nguyễn Trọng Tạo không ngần ngại biến tấu lục bát để diễn đạt trọn vẹn cảm xúc đang dâng trào. Lục bát vốn là thể thơ khá “khó tính”, nó không dễ dung hòa với các thể khác. Ở đây, Nguyễn Trọng Tạo đã rất khéo léo thuyết phục lục bát nghe lời: “Nếu công đầu của Phạm Tiến Duật là đã đứng mũi chịu sào để hình thành thể kết hợp cho thơ ca thì Nguyễn Trọng Tạo đã thuyết phục được lục bát chịu nghe điều đó” [1; tr.235].

Đôi lúc nhà thơ lại lạ hóa lục bát bằng hình thức xuống thang, tách chia câu chữ:

chia cho em một đời say

một cây si

với

một cây bồ đề

tôi còn đâu nữa đam mê

trời chang chang nắng tôi về héo khô.

(Chia)

Khi các thủ pháp nghệ thuật mới ở phương Tây du nhập vào nước ta, thơ ca mau chóng làm mới mình, tạo một hiệu ứng thẩm mỹ tích cực ở người đọc. Không tụt lại so với dòng thơ tự do, lục bát cũng có những biến đổi nhất định để hòa nhập cái mới của thi ca trong dòng chảy cách tân với cách ngắt nhịp, vắt dòng, leo thang - ảnh hưởng thơ tân hình thức phương Tây. Với việc biến đổi cấu trúc dòng thơ, người đọc có thể cảm nhận trực tiếp những cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình. “Tôi” đang chia tách, đang phân rời những gì quý giá nhất của mình và dành tất cả cho em. Hiệu ứng cảm xúc không chỉ tác động tới chúng ta qua ngôn từ, nhịp điệu mà còn bằng ấn tượng thị giác. Mỗi nấc thang là một điểm nhấn của cảm xúc, một sự chông chênh của tâm hồn. Hình thức câu lục bát bị bẻ gãy, diễn đạt đầy đủ và chân thực những lo lắng, bất an của con người hiện đại trước bộn bề cuộc sống. Đời sống hiện đại có nhiều đổi thay, đặc biệt những biến đổi trong cách cảm thụ thẩm mỹ của cộng đồng, thơ ca phải tự biến tấu để thỏa mãn thị hiếu tiếp nhận đó.

Sự tác động của nền thi ca đương đại thế giới thời mở cửa vào văn chương truyền thống làm thay đổi một số quy tắc cũ. Lục bát truyền thống thường không phân khổ, từng cặp câu 6 – 8 cứ nối tiếp nhau diễn tả cảm xúc của nhân vật trữ tình. Nguyễn Trọng Tạo làm mới lục bát bằng cách phân khổ. Ông chia tách bài thơ thành nhiều khổ, một khổ gồm 2 hoặc 4 câu tạo nên những khoảng trống trong thơ,dành chỗ cho người đọc suy ngẫm.

Vẽ tôi mực rượu giấy trời

nửa say nửa tỉnh nửa cười nửa đau



vẽ tôi viết nửa câu thơ

nửa câu ma quỷ đêm sâu gọi về



vẽ tôi thấy đẹp là mê

thấy ghen là sợ thấy quê là nhà

(Tự họa)

Nguyễn Trọng Tạo dẫu rất “chín” trong dòng chảy lục bát trữ tình truyền thống, cũng đôi khi tự do biến hóa trẻ trung bằng cách cố tình làm đứt gãy câu lục bát bằng những dấu chấm giữa dòng:

Chiều rơi. Vàng tóc. Vàng da.

Vàng cây. Vàng đa. Vàng da. Vàng người.

(Chiều rơi)

Hay

Tạ từ. Ai tạ từ tôi

chập chờn tiên nữ nói cười xa xăm

(Tạ từ)

Với những khát vọng cách tân luôn thường trực, Nguyễn Trọng Tạo luôn miệt mài lao động để thổi những làn gió mới vào thơ của mình. Ngắt câu thơ như vậy giúp tác giả diễn tả sự bâng khuâng, mơ hồ và những tiếc nuối, xót xa trong lòng. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng phản đối việc cách tân thể lục bát. Ông cho rằng nó đã hoàn chỉnh, có thể đổi mới chất sống chứ hình thức câu thơ không nên thay đổi. Tuy nhiên, sự đổi thay của thơ ca vừa tuân theo quy luật đời sống vừa theo quy luật của riêng nó. Dù hình thức thơ đã được mài giũa và khẳng định theo thời gian, nhưng để diễn tả tình cảm mới của con người hiện đại, có lẽ, đổi mới lục bát cả về nội dung lẫn nghệ thuật thể hiện là điều cần thiết. Nguyễn Trọng Tạo đã mạnh dạn biến đổi, cách tân thơ và sự sáng tạo ấy ít nhiều tránh cho thơ sự nhàm chán, nhất là trong thời kì “lạm phát thơ” như hiện nay.

Một đặc trưng rất riêng trong lục bát Nguyễn Trọng Tạo là giàu nhạc tính. Là một nhạc sĩ, ông có nhiều lợi thế khi mang chất nhạc vào thơ, dẫn dắt người đọc vào thế giới của âm thanh, của trường cảm xúc phiêu diêu, đầy ma lực. Để tăng tính nhạc, Nguyễn Trọng Tạo thường kết hợp vần chân và vần lưng, gieo vần ở nhịp chẵn. Đồng thời, nhà thơ cũng dung rất nhiều vần phụ để tăng tỉ số hiệp vần.

Mi xanh buồn cứ long lanh

gặp long lanh thấy mong manh là buồn

buồn đừng đi! Buồn đừng tan

mất buồn còn lại tro tàn mà thôi

(Sone buồn)

Nhờ cách làm trên, bài thơ đã rất thành công khi diễn tả nỗi buồn – một nỗi buồn mơ hồ nhưng dàn trải mênh mông, không dứt. Đây là tâm trạng thường trực của chàng thi sĩ đa mang này.

Không chỉ riêng lục bát, đa phần các bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo đều không viết hoa đầu dòng theo qu định của ngữ pháp tiếng Việt.

Con sông mình hạc xương mai

vàng son in bong đền đài hoa khôi

đến đây tôi gửi bong tôi

vớt lên thì vỡ, tan rồi lại nguyên.

(Con sông huyền thoại) Nguyễn Trọng Tạo không cố ý dẫm lên quy tắc mà ông đang tạo cho mình một lối đi riêng cho thấy một cá tính độc đáo. Cách viết như thế giúp nhà thơ thể hiện sự liền mạch, tự do trong cảm xúc, đoạn thơ đi liền như một nhịp thở, nhạc điệu miên man trong trí tưởng tượng của người đọc.

Nguyễn Thị Hương Lài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét